Tài sáng chế của một nông dân Việt khiến ông chủ Do Thái thán phục

Thứ Sáu, 20/10/2017, 11:39
Không được đào tạo qua bất kì trường lớp nào, chỉ bằng kinh nghiệm thực tế và một chút kiến thức có được từ những ngày còn đi làm thuê, anh Phạm Văn Hát (45 tuổi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đã sáng chế ra nhiều loại máy móc phục vụ cho nông nghiệp. Đặc biệt hơn cả, các loại máy của anh đã được bán đi nhiều nước trên thế giới…


Chuyến "du học" Israel

Anh Hát chỉ được học đến hết lớp 7. Không được học hành tới đầu tới đũa nhưng ông trời lại cho anh sự thông minh và luôn biết tìm tòi học hỏi. Năm 2007, khi những sản phẩm nông sản sạch, thực phẩm sạch vẫn còn quá xa lạ với người dân thì anh Hát đã bắt đầu làm trang trại rau an toàn.

Tiền vốn không có, kĩ thuật máy móc cũng chưa được trang bị, cái anh có chỉ là một ý tưởng táo bạo đi trước thời đại. Sản phẩm rau an toàn của anh Hát xuất xưởng không lâu sau đó nhưng do nó còn quá mới mẻ trên thị trường, không nhận được nhiều sự ủng hộ nên dự án này đã thất bại. Hậu quả của nó là 4 tỷ tiền nợ mà anh đã đầu tư vào nhà xưởng, công nghệ.

Anh Hát và chiếc máy đặt hạt.

Sau thất bại này, tự cảm thấy mình vẫn còn quá kém về công nghệ, kém về cách tổ chức nên anh Hát quyết phải "du học" một phen để tìm kiếm kiến thức. Bằng con đường xuất khẩu lao động, anh đã chọn Israel, nơi sản sinh ra những con người thông minh để làm nơi học hỏi. Hơn nữa, đây cũng là đất nước mà nghề trồng rau có thể mang lại lợi nhuận lên tới 1 tỷ đồng/ha.

Anh Hát cho biết: "Năm 2010, tôi qua đến bên này, làm thuê cho những ông chủ đồn điền người Israel, tôi mới thấy sự thông minh trong cách tổ chức, quản lý và các loại máy móc của họ. Ở bên nước họ, nuôi con gì, trồng cây gì cũng đều có sự định hướng từ sở nông nghiệp. Cung không bao giờ vượt quá cầu, mọi thứ đều trong tầm kiểm soát nên đầu ra rất tốt.

Không giống như ở nước ta cứ thấy loại cây, quả gì bán được là đua nhau đi trồng. Đến khi cung vượt quá cầu thì lại thừa mứa, phải bán giá rẻ. Hơn nữa, họ còn có nhiều loại máy móc sử dụng trong canh tác, thay thế được rất nhiều nhân lực".

Cũng từ chuyến "du học" ấy, anh Hát học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức và cũng từ đó anh có cơ hội được thể hiện khả năng của mình trong việc sáng chế. Theo đó, sau một thời gian làm thuê cho ông chủ người Isarel, thấy chiếc máy rải phân hoạt động không hiệu quả và cảm thấy mình có thể cải tiến nó nhờ những kinh nghiệm có được trong những năm đi làm thuê ở xưởng cơ khí, anh Hát đã suy nghĩ phác thảo một bản cải tiến trong đầu. Cho đến khi chắc chắn với bản thiết kế đó, anh đến gặp ông chủ, mô tả ý kiến của mình bằng cử chỉ và kí hiệu trên cát do không biết tiếng.

"Lúc ấy chỉ nhìn cử chỉ của tôi, ông chủ cũng đoán được và viết vào điện thoại rồi dịch lại cho tôi hiểu. Ông ấy hỏi tôi muốn cải tiến cái máy này à và cải tiến xong sẽ thay thế được cho bao nhiêu người. Khi tôi ra hiệu sau khi cải tiến, máy sẽ thay được 10 nhân công thì ông ấy đăm chiêu một hồi rồi cho tôi về làm việc tiếp. Ngay tối hôm đó, ông chủ nhờ một người bên Đại sứ quán Việt Nam làm phiên dịch và gọi tôi sang để bàn bạc. Hôm sau ông ấy cho người mua đầy đủ trang thiết bị về cho tôi làm việc…", anh Hát hào hứng kể.

Sau ba lần cải tiến, chiếc máy đã hoạt động được hết khả năng. Trong buổi chạy thử, ông chủ trang trại còn gọi thêm nhiều người bạn ở các trang trại khác đến để xem và góp ý. Khi thấy chiếc máy hoạt động quá hoàn hảo, những vị khác có mặt ở đó ai cũng tấm tắc khen ngợi và họ nói với anh Hát một câu, sau khi được nghe phiên dịch lại khiến anh nhớ mãi đó là "ông có cái đầu thông minh giống như người Do Thái chúng tôi".

Nhờ lần thể hiện tài năng ấy, anh Hát được chủ trang trại thưởng cho một số tiền, tương đương hơn 200 triệu đồng tiền Việt. Cùng với đó là vinh dự được Đại sứ quán Việt Nam tại Israel mời đến chia vui, động viên và khen thưởng.

Anh Hát cho biết: "Sau khi chế tạo thành công máy rải phân, được Nhà nước Israel ghi nhận, mua bản quyền để chế tạo hàng loạt trên toàn quốc, tôi vẫn tiếp tục chế tạo, cải tiến thêm ba loại máy cho ông chủ của mình đó là máy cắt rau, dọn rau và lên luống. Họ là những người thông minh và nhạy bén, thấy máy móc tôi cải tiến hoạt động tốt, họ chuyển từ kinh doanh nông nghiệp sang bán máy móc luôn".

Anh Phạm Văn Hát.

Với mong muốn giữ chân anh Hát ở lại trang trại của mình, ông chủ Isarel quyết định nâng lương lên cho anh từ 1.000 USD (khoảng năm 2010) lên 2.500 USD. Tuy nhiên đến lúc này thì anh lại quyết định về quê hương.

Mang kiến thức hồi hương

Nói về quyết định lạ đời này, anh Hát chia sẻ rằng, nếu ở lại anh sẽ là một người được trọng dụng và lương sẽ còn cao hơn nữa. Tuy nhiên ở bên đó thì mình mãi là người làm thuê, không thể làm chủ và nhất là không được ở bên người thân, gia đình nên anh quyết về nước. Đến khi anh về nước được một năm, người chủ Isarel vẫn tìm cách liên lạc và mời sang làm tiếp nhưng anh Hát từ chối.

Về Việt Nam, anh Hát vẫn tiếp tục với niềm đam mê sáng chế của mình và các loại máy của anh chủ yếu để phục vụ cho nông nghiệp, cho bà con nông dân. Chiếc máy đầu tiên anh làm đó là máy gieo hạt cho trang trại rau của người anh trai.

Bởi đặc thù lao động phổ thông ở quê nhà rất hiếm, người trẻ thì thoát ly hết, người già thì mắt kém, có thể lóng ngóng làm rơi hạt khi gieo, trong khi hạt giống lại đắt. Được sự động viên của người anh trai, anh Hát bắt tay vào nghiên cứu và rồi sau hơn một năm chiếc máy đặt hạt ra đời. Dù còn nhiều thiếu sót và năng suất chỉ đạt được 50% nhưng điều đó cho thấy sự thành công bước đầu trong con đường sáng tạo của anh Hát.

Nhà xưởng mới được mở rộng.

Nhờ sự quan sát và tìm tòi những thiếu sót, sau một thời gian ngắn anh đã cải tiến, giúp máy đặt hạt hoạt động chính xác 100%. Máy có thể đặt chính xác khoảng cách mình cần đặt ở khoảng cách 2 hoặc 3cm, tùy vào từng cánh đồng và thay thế cho khoảng 40 người làm việc. Robot đặt hạt sau 2 năm nghiên cứu, cải tiến đã được bán sang nhiều nước như Đức, Mỹ, Singapore, Thái Lan… bằng nhiều cách khác nhau.

Cách phổ biến nhất là khách hàng tại các nước biết đến qua mạng Internet, họ đã tìm đến Đại sứ quán của Việt Nam ở đất nước họ để hỏi thăm về tác giả của robot đặt hạt, xin số liên lạc để đặt mua. Người ở Đại sứ quán Việt Nam tại các nước lại tìm cách kết nối về xã, xin địa chỉ, số điện thoại, thậm chí còn giúp phiên dịch để các giao dịch đặt hàng thành công ngay lập tức. Mỗi chiếc máy bán đi nước ngoài anh Hát bán với giá 2.500 USD.

Còn ở trong nước, các khách hàng miền Nam, miền Trung đặt mua khá nhiều, thậm chí có người còn trực tiếp ra tận xưởng của nhà anh để mục sở thị cách làm việc của anh. Bây giờ, do có kinh nghiệm, anh đặt làm các bộ phận chế tạo robot đặt hạt tại các xưởng gia công khác nhau, việc duy nhất của anh là lắp ráp nhưng với mỗi một robot, anh cũng mất đến 3 ngày mới lắp ráp xong.

Có một điều đặc biệt, đó là do lo lắng chuyện có thể mất bí quyết, mất bản quyền nên ngoài việc đăng ký bảo hộ ở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, anh Hát chỉ phác thảo những bản thiết kế sáng chế... trong đầu. Thêm nữa, với mỗi một chiếc robot được lắp ráp, anh đều kèm theo một chi tiết nhỏ được làm thủ công, nếu ai đấy có ý định dỡ ra để tìm cách làm theo sẽ hỏng luôn, lắp lại không sử dụng được như cũ.

Một sáng chế khác đã được đưa vào ứng dụng.

Ngay cả bản thân anh, nếu gỡ ra làm lại con robot cũng sẽ mất tác dụng, chỉ còn lại là một đống sắt vụn. Anh cũng muốn liên kết với một doanh nghiệp để sản xuất đại trà nhưng cũng vẫn lo lắng việc có thể mất công nghệ, bí quyết.

"Mới đây, một công ty của Mỹ có liên hệ với tôi và muốn tôi làm việc trong tổ sáng chế của họ. Mức lương của họ đưa ra rất cao nhưng tôi vẫn giữ suy nghĩ nếu sang đó mình chỉ là kẻ làm thuê, họ vắt sức mình vài năm rồi cũng cho nghỉ. Mình ở lại tự làm chủ trên quê hương của mình vẫn là hơn", anh Hát chia sẻ.

Nhờ sự thành công đó mà chỉ sau vài năm, món nợ từ ngày làm rau sạch đã được trả hết. Anh Hát bắt đầu mở rộng nhà xưởng, tiếp tục nghiên cứu và bán thêm nhiều loại máy móc phục vụ cho nông nghiệp. Và cho đến nay đã có rất nhiều bằng khen, giấy khen và cả Huân chương Lao động hạng ba đã được trao cho nhà sáng chế nông dân này. Với anh Hát, những khen thưởng ấy cũng là một lời động viên giúp anh có động lực hơn trên con đường trở thành một nhà sáng chế giúp cho người dân tăng năng suất, đạt hiệu quả cao hơn trong canh tác.

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.