Hành trình học và làm - câu chuyện cảm động của người thương binh giàu ý chí

Thứ Hai, 25/07/2016, 17:41
Trở về từ chiến trường với một bên chân giả, cùng 61% sức khỏe bị mất vĩnh viễn, nhưng bằng ý chí, nghị lực, người thương binh đó đã bước vào con đường kinh doanh.

Vượt qua khó khăn, gian nan và cả thất bại, ông đã cùng đồng đội, đồng chí lập nên một công ty dành cho hàng trăm anh em thương binh nơi được biết đến với nhiều hoạt động nghĩa tình vì đồng đội và con em đồng đội, đặc biệt là những người bị nhiễm chất độc da cam như: trao tặng quà cho thân nhân, gia đình liệt sỹ, tìm hài cốt đồng đội…

1. Như bao nhiêu người con của đất nước thời bấy giờ, 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Quỳnh (quê ở Gia Lộc, Hải Dương) lên đường nhập ngũ. Ý chí trên đầu và máu nóng trong tim, anh cùng đồng đội lao vào chiến trường mưa bom bão đạn. Hơn 1 lần, người chiến sỹ trẻ đã đổ máu nơi chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng.

Thiếu tướng Phí Đức Tuấn - Phó giám đốc Học viện ANND tặng hoa thương binh Nguyễn Văn Quỳnh nhân dịp 27-7-2015.

7 năm trong quân ngũ, Nguyễn Văn Quỳnh trở về hậu phương khi anh đã để lại một phần chân trái - từ dưới đầu gối xuống hết bàn chân nơi đại ngàn Trường Sơn. Cha mẹ và quê hương đón anh về với một bên chân gỗ, thương tật 61% (hạng 2/4) trong mừng mừng tủi tủi. Đất nước tri ân các anh, và Nguyễn Văn Quỳnh được phục dưỡng ở Hội Thương binh tỉnh Hải Dương.

Những tháng ngày an dưỡng ở đây, nghĩ mình dù đã may mắn trở về, nhưng lại trở thành một gánh nặng cho xã hội, Quỳnh không yên lòng. Nhiều đêm thao thức, anh quyết định tự mình đi làm kinh tế. "Mình còn đôi tay, còn cái đầu và chân vẫn đi lại được, hà cớ gì lại ngồi hưởng những đồng lương thương binh trong cái túi ngân sách vốn eo hẹp của một đất nước đang xác xơ vì vừa thoát khỏi chiến tranh nghèo đói?

Phải làm một việc gì đó, phải đóng góp cho đất nước, dù chỉ là một chút sức lực". Với quyết tâm đó, người thương binh Nguyễn Văn Quỳnh đã một mình khăn gói lên Hà Nội, tìm đến chợ Đồng Xuân-Bắc Qua kiếm việc làm.

Những ngày đầu nơi đô thị, không nơi ăn chốn ở, không bạn bè thân thích, trong người lại mang thương tích, thực sự là những ngày khó khăn chồng chất của anh. Tuy nhiên, có lẽ lợi thế duy nhất mà anh có lại chính nhờ là thương binh. Là thương binh, anh có trợ cấp nên dù vạ vật, chưa có việc thì vẫn không sợ chết đói. Lang thang ở chợ Đồng Xuân, Quỳnh bắt đầu bằng công việc bốc vác.

Lúc đầu, nhìn anh nhúc nhắc trên chiếc chân giả, nhiều người đã e ngại không chịu thuê anh. "Thực sự, khi chọn Hà Nội để bắt đầu sự nghiệp, tôi đã xác định mình đi làm thuê không phải để kiếm tiền sống qua ngày, mà đi làm thuê để có cơ hội học hỏi cách kinh doanh, cách quản lý cũng như cách giao tiếp xã hội, đối nhân xử thế.

Vì thế, sau những ngày đầu quan sát, tôi quyết định xin việc tại một công ty gia đình gần đấy. Vì là công ty, nên họ không thuê lao động vãng lai. Thế là ngày ngày tôi đều đến đó "chầu chực" theo đúng nghĩa. Thấy việc gì thì lăn vào làm giúp. Khi họ nghỉ ăn cơm thì mình cứ ngồi chờ.

Thú thực lúc đó, dù có trợ cấp thương binh, nhưng mỗi ngày tôi chỉ dám ăn 1-2 bữa cơm đạm bạc, thuê nhà trọ rẻ nhất. Đất khách quê người, số tiền ít ỏi tôi còn phải để dành, phòng khi trái gió trở trời đau ốm. Sau này, ròng rã bao nhiêu ngày tháng, được ăn một bữa cơm no mà ứa nước mắt", anh Quỳnh rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Chính nhờ sự kiên nhẫn, chịu khó mà cuối cùng, Nguyễn Văn Quỳnh đã được ông bà chủ nhận vào làm. Với mục đích tìm cơ hội học hỏi công việc kinh doanh, quản lý, nên bắt đầu từ khi làm việc đầu tiên là bốc vác, Quỳnh đã thể hiện sự chịu thương chịu khó, sáng tạo khi nghĩ ra những cách làm việc hiệu quả hơn so với sức khỏe thực tế là những vết thương và chiếc chân giả của mình. Dần dần, anh gây được sự chú ý của ông chủ, được ưu ái làm những công việc nhẹ nhàng hơn, được tiếp xúc với khách hàng, đối tác, sổ sách, và tham gia công tác quản lý.

Quan sát, học hỏi, ghi nhớ và đúc rút kinh nghiệm, sau một thời gian, Nguyễn Văn Quỳnh đã "học lỏm" được những nguyên tắc cơ bản về kinh doanh trong thực tiễn. Đạt được mục đích rồi, Quỳnh xin nghỉ việc đi tìm một nơi khác để học hỏi. Cứ thế, ròng rã 15 năm trời, anh đã "kinh qua" hàng chục công ty, nhiều lần "Nam tiến" vào TP Hồ Chí Minh. Bất kỳ nơi nào, mục đích của anh cũng là để học hỏi.

Khi hành trang và kiến thức đã đủ, Nguyễn Văn Quỳnh quyết định tự mình đứng ra kinh doanh. Với những kiến thức học từ thực tế, cộng thêm những mối quan hệ có được trong qúa trình học việc, không khó để Quỳnh có những thành công ban đầu, tậu nhà, mua xe….

Thế nhưng, cuộc đời không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Công ty của anh sau một thời gian hoạt động đã đi phá sản. Nợ nần chồng chất, một lần nữa Quỳnh lại ra đứng đường với hai bàn tay trắng. Quyết chí làm lại từ đầu, Nguyễn Văn Quỳnh đã bắt tay vào tiếp tục kinh doanh.

"Trong những thời điểm khó khăn nhất, ý chí là thứ duy nhất giúp tôi vượt qua. Chiến trường mưa bom bão đạn đã tôi luyện cho tôi ý chí của người lính Cụ Hồ. Trong thương trường đầy cạm bẫy, ý chí đó đã giúp tôi không nản lòng. Những khó khăn đầu tiên như đi bốc vác thuê, đang ăn dở bát mì cũng bị giật xuống để làm việc.

15 năm trời, khi mọi người đã yên bề gia thất, thì tôi vẫn một mình bơ vơ bươn chải trong Nam ngoài Bắc. Khi thất thế phá sản, phải trốn nợ, tôi vẫn tâm niệm không được nản chí. Vấp ngã chính là bài học kinh nghiệm quý báu mà tôi có được để đứng dậy vững chắc hơn…".

Với ý chí kiên cường đó, 4 năm sau ngày thất bại, Nguyễn Văn Quỳnh đã lại thành công. Lúc này, việc đầu tiên của anh là tìm đến tất cả những người quen, đối tác, anh em để trả hết những món nợ mà anh đã lỡ mang trước đó. Việc làm này của Quỳnh đã khiến cho những người xung quanh anh cực kỳ nể phục. Cũng từ đây, uy tín của anh với các đối tác càng được củng cố.

2. Không ngừng học hỏi, sau hàng chục năm bỏ bút sách lao vào cuộc chiến tranh, sau đó lăn vào thương trường, Nguyễn Văn Quỳnh quyết định cầm bút đi học lại. Thế hệ của anh, thiệt thòi vì đã sớm rời sách vở, lại sinh ra khi đất nước chiến tranh, rồi cùng đất nước trải qua thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập, nếu anh không học, sẽ rất khó theo kịp thời đại.

Giám đốc Công ty 27/7 Nguyễn Văn Quỳnh.

Với người bình thường, khó khăn đã chồng chất, với những thương binh nặng như anh, khó khăn còn gấp bội. Anh tâm niệm những bài học trong thực tiễn chỉ được phát huy tối đa nếu có được sự kết hợp với kiến thức trong nhà trường.

Tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh ở ĐH Thương mại, Quỳnh vừa học vừa làm, xây dựng gia đình. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục học lên Thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế - một trường của Úc đào tạo tại Việt Nam.

Cùng với kiến thức, ý chí, nghị lực, một trong những phẩm chất đáng qúy của người thương binh Nguyễn Văn Quỳnh là lòng chính trực. Chính những tố chất này đã giúp anh có được thành công, khi "ra tay" giúp đỡ những doanh nghiệp, đối tác gặp khó khăn.

Năm 2010, trăn trở trước cuộc sống khó khăn của những người bạn thương binh từng vào sinh ra tử, nay trở về vất vả giữa đời thường, Nguyễn Văn Quỳnh bàn với anh em thành lập Công ty TNHH Cơ khí chế tạo và dịch vụ tổng hợp 27-7, nơi anh đang làm Giám đốc. Bắt đầu từ một khu đất bỏ hoang, mọi người đã đồng lòng góp công sức, huy động nguồn lực tài chính để san lấp mặt bằng, cải tạo khu đất.

Với bàn tay sức lực của những người lính Cụ Hồ trong thời bình không ngại khó khăn, vất vả, đến ngày hôm nay, thành quả là một khu vực khang trang, rộng lớn, phát triển. Hiện tại công ty đã hợp tác cùng 40 doanh nghiệp tại khu đất này.

Từ số vốn ban đầu là 1,7 tỷ đồng với hơn chục anh em thương binh, sau 6 năm, vốn của công ty đã lên tới 50 tỷ với 120 lao động, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo đời sống cho các cán bộ, thương binh trong công ty. Đáng chú ý, dù được Đảng và Nhà Nước hỗ trợ miễn thuế cho doanh nghiệp, nhưng công ty vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế.

Đây là một hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm vô cùng đáng biểu dương của một doanh nghiệp 100% lao động đều là thương binh, trong đó có tới 30 đồng chí là thương binh hạng ¼ và thương binh đặc biệt nặng.

Công ty không những tạo điều kiện cho anh em thương binh có việc làm, thu nhập ổn định với mức trung bình khoảng 4-5 triệu/người, mà hằng năm, từ nguồn quỹ phúc lợi, công ty trích 200 triệu đồng làm từ thiện, thăm hỏi tặng quà những đồng chí thương bệnh binh nặng hoặc thân nhân gia đình liệt sỹ khó khăn trong cuộc sống.

Ngoài ra, công ty còn lập sổ tiết kiệm tặng Mẹ Việt Nam anh hùng phường Đại Kim, tài trợ cho Hội khuyến học Việt Nam, cho Trung tâm nhân đạo Hồng Đức nuôi dưỡng cáccháu bị nhiễm chất độc da cam…

Lệ Thúy
.
.
.