Cuộc đời hoàn lương của một nhiếp ảnh gia nổi tiếng

Thứ Năm, 21/09/2017, 09:11
Là một nhiếp ảnh gia khá nổi tiếng với những triển lãm ảnh nghệ thuật gây được tiếng vang; từng bán đấu giá ảnh để có kinh phí làm từ thiện, nhưng có lẽ ít ai biết được Thành Xuân Anh từng có một quá khứ "cộm cán", một "đại ca giang hồ" với biệt danh Thành "trọc" ở đất Sài thành. Tuy nhiên, sau tất cả, anh đã hoàn lương rồi "bén duyên" với nghề nhiếp ảnh…


Từ một cơ duyên, tôi biết nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh, tên thật là Nguyễn Phước Thành (59 tuổi) tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, qua buổi triển lãm ảnh nghệ thuật "Công đức sinh thành" (tổ chức tối 6-9-2017) kết hợp bán đấu giá ảnh nghệ thuật nhằm gây quỹ từ thiện xây nhà tình thương, xây cầu... mà tác giả những bức ảnh nghệ thuật này chính là anh.

Buổi triển lãm này là dịp để anh kỷ niệm 25 năm cầm máy của mình. Và đây cũng là lần triển lãm kết hợp bán đấu giá ảnh nghệ thuật vì mục đích từ thiện thứ 6 của nhiếp ảnh gia. Tại buổi triển lãm này, ngoài 10 bức ảnh hoa sen được trưng bày sau đó bán đấu giá tại chỗ, nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh còn trưng bày 40 bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đẹp của những ông bố, bà mẹ cùng với những người con của họ... Đặc biệt, người xem có thể dễ dàng cảm nhận những bức ảnh về tình cảm cha con rất xúc động, điều mà trước đây anh rất ít ghi nhận.

Nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh.

"Mùa Vu Lan luôn mang đến cho tôi một cảm xúc mới mẻ khi chụp ảnh. Năm nay, tôi chụp cả những ông bố, mặc dù tuổi thơ tôi không cảm nhận được tình cảm đó mà chỉ có tình cảm của mẹ. Nhưng mùa Vu Lan theo tôi hiểu còn là mùa hỉ xả, buông bỏ những lỗi lầm để sống tốt đời, đẹp đạo hơn. Vì thế, tôi muốn chụp những bức ảnh đó không chỉ nói lên sự hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ mà còn là sự an vui, đầm ấm của mỗi gia đình khi mình bỏ qua những sai lầm", Thành Xuân Anh chia sẻ.

Sau buổi triển lãm và kết hợp bán đấu giá ảnh hoa sen vì mục đích thiện nguyện này, nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh sẽ cùng các nhà tài trợ khác lên đường khám và cấp phát thuốc chữa bệnh cho 1.000 người nghèo ở miền Trung, xây một cây cầu ở Long An…

Có lẽ ai tham dự buổi triển lãm và bán đấu giá ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh gia này mới cảm nhận hết được cái tình của những người bạn, những nhà hảo tâm và cả những nghệ sĩ nổi tiếng đồng hành cùng chương trình thiện nguyện như MC Thanh Bạch, MC Ngọc Hương, MC Anh Đào, danh hài Hồng Tơ, ca sĩ Phi Hùng, Khang Lê, Chung Tử Lưu và nhiều anh chị em nghệ sĩ, doanh nhân khác với người nghệ sĩ nhiếp ảnh đáng mến này.

Buổi triển lãm ảnh nghệ thuật "Công đức sinh thành" kết hợp bán đấu giá ảnh nghệ thuật gây quỹ từ thiện.

Có lẽ khi mới gặp và tiếp xúc với anh, nhiều người sẽ không ngờ được rằng trước mặt mình là một nghệ sĩ nhiếp ảnh từng có một quá khứ đầy "chiến tích giang hồ" trong một thời gian dài. Với chất giọng nhẹ nhàng, đầm ấm và nụ cười luôn thường trực trên môi cùng sự khiêm tốn, giản dị, Thành "trọc" kể về một thời "quậy tưng" của mình.

Sinh ra trong hoàn cảnh thiếu vắng bàn tay cha, do bồng bột, hiếu thắng và thiếu hiểu biết, và cũng do mẹ anh vì quá thương con nên có phần nuông chiều, tất cả đã khiến anh trở thành một đứa trẻ ngang ngạnh, bất cần. Sau những lần đánh lộn với bạn bè, rồi bỏ nhà đi theo đám bạn xấu, có lần mẹ anh đã bắt anh về rồi dùng xích trói anh ở nhà với mong muốn con không sa đà vào chuyện xấu. Nhưng anh vẫn chứng nào tật đó.

Biết không thể để con tiếp tục con đường học hành bình thường, mẹ anh đã gửi anh ra Bà Rịa - Vũng Tàu ở với một người cậu. Ở đây anh càng tái diễn những hành động quậy phá của mình, mẹ anh lại phải đón con trai trở về nhà ở Củ Chi (năm 1972). Nhưng trước đứa con trai bất trị, người mẹ đã không thể quản nổi con mình. Và cũng từ đây, anh đã chọn con đường sống lang bạt khắp nơi.

Trao nhà tình thương cho người nghèo.

Có thời điểm Thành "trọc" đã cầm dao chém người trong một đoàn hát đến xã biểu diễn vì không được cho vào coi hát… miễn phí. Bị cơ quan chức năng lùng bắt, Thành "trọc" đã bỏ trốn lên Sài Gòn. Tại đây, anh sớm kết giao đám bạn "bụi đời", mang hung khí đi tranh giành lãnh địa khắp nơi. Ngoài ra, anh còn theo các băng nhóm đánh lộn, cướp giật… rồi sa đà vào chốn giang hồ đất Sài thành.

Và cũng chính vì chuyện liên tiếp vào tù ra khám nên anh mới có biệt danh Thành "trọc". Bởi theo lời anh thì biệt danh này được giới giang hồ đặt cho vì anh có quá nhiều lần xộ khám mà phạm nhân khi bị bắt vào khám đều bị cắt cạo trọc tóc mà anh thì bị bắt quá nhiều lần đến nỗi… tóc mọc không nổi!

Về phần người mẹ của anh thì sau nhiều nãm con trai bỏ ði biền biệt, bà ði tìm nhiều nõi nhýng không thấy nên bà cũng chỉ biết nghĩ rằng con mình ðang lông bông ở ðâu ðó mà không hề biết rằng con trai mình ðầy "thành tích" bất hảo nhý vậy. Bản thân anh cũng không muốn mẹ mình biết những gì mình đã làm và đang trải qua bởi anh sợ mẹ sẽ buồn và đau khổ vì đứa con hý.

Khoảng thời gian cuối ở Trại giam Xuyên Mộc, Thành "trọc" nghe tin mẹ lâm bệnh nhưng cũng không biết phải làm gì. Và một ngày ở trại giam, anh nghe tin mẹ mất. Không thể về chịu tang mẹ, nỗi đau ấy đã khiến anh dằn vặt, đau khổ. Nhưng cũng chính nỗi đau ấy đã khiến anh quyết định hoàn lương.

"Tôi đã phải trả cái giá rất đắt cho sự lầm lạc ấy là phải chịu đựng nỗi đau tột cùng khi mãi mất đi người mẹ mà không thể trở về nhìn mẹ lần cuối. Nỗi ân hận khiến tôi như bừng tỉnh và tự nhủ bản thân phải làm lại cuộc đời", anh chia sẻ.

Hết án, Thành "trọc" trở về Củ Chi. Tìm kiếm một nghề để sinh sống, anh nhớ lại có lần ở trại giam một quản giáo thích nghề chụp ảnh và có nói nhiều về nghề này. Và nhý một cõ duyên, anh quyết định đi học nhiếp ảnh tại Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh (năm 1992)… Ra nghề, anh cầm máy đi sáng tác ở nhiều nơi, lấy nghệ danh Xuân Anh, sau này thay đổi là Thành Xuân Anh. Dần dà anh chụp ảnh có chút tên tuổi nên mở tiệm chụp ảnh của riêng mình.

Đặc biệt, những bức ảnh về tình mẫu tử và nhất là hoa sen trở thành đề tài, đam mê xuyên suốt trong sự nghiệp nhiếp ảnh của anh. "Có lẽ vì sen là loài hoa mọc lên từ đáy bùn sâu nhưng vẫn vươn lên tỏa hương thơm ngát với vẻ đẹp thanh cao, dịu mát. Tôi cảm nhận và gửi thông điệp hoa sen từ chính cuộc đời tôi trong mỗi bức ảnh. Thông qua những bức ảnh, tôi muốn nhắn gửi đến mọi người, phận làm con hãy luôn giữ tròn đạo hiếu, hãy sống tốt và có trách nhiệm với cha mẹ mình. Đừng đối xử với cha mẹ không tốt rồi phải hối hận như tôi. Vì khi tôi muốn đền đáp công ơn thì cha mẹ đâu còn nữa", anh ngậm ngùi.

Triển lãm hoa sen của Thành Xuân Anh.

Với những bức ảnh hoa sen đầy ý nghĩa sâu xa, anh liên tiếp thành công với những lần triển lãm ảnh của mình. Và tất cả Quỹ Triển lãm ảnh nghệ thuật hoa sen, anh đều dùng để xây nhà tình thương và giúp đỡ cho người nghèo ở nhiều nơi.

Nhiều năm sau để có thêm kinh phí phục vụ cho niềm đam mê của mình, anh đã cùng bạn bè hùn hạp làm ăn kinh doanh. Theo thời gian công việc làm ăn cũng thành công, Thành "trọc" ngày nào giờ trở thành một doanh nhân nổi tiếng với chuỗi nhà hàng bò tơ Xuân Anh được mở ở nhiều quận huyện TP Hồ Chí Minh. Có điều kiện kinh tế, càng giúp anh có thêm thuận lợi để hết lòng hết sức với công việc sáng tác nhiếp ảnh và làm việc thiện của mình.

Và vào mỗi mùa Vu Lan, qua những buổi triển lãm, bán đấu giá ảnh nghệ thuật để gây quỹ từ thiện cho các trẻ em nghèo hiếu học, người già neo đơn, người nghèo khó…, anh tâm niệm và mong muốn đưa ra những thông điệp yêu thương đến tất cả những người con đang sống trong vòng tay cha mẹ, tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng cao cả.

Trong câu chuyện về cuộc đời hoàn lương của mình, Thành "trọc" tâm đắc một điều là chỉ cần có tâm thật sự và có niềm tin hướng thiện, làm những điều tốt đẹp thì cuộc đời mỗi người sẽ trở nên tốt đẹp và cứ thế nhân rộng ra. "Những năm tháng bôn ba từ trường đời đã dạy cho tôi nhiều bài học đắt giá về giá trị của cuộc sống. Có sống trong những nỗi khổ đau mới hiểu chân lý. Bởi mình đã trải qua cái đói cái khổ của tận cùng... cũng từ đó mình biết đau, biết cảm với nỗi đau và sự nghèo khó của người khác. Vì thế, tôi luôn tâm niệm hãy sống yêu thương và trọn nghĩa với nhau". 

* Nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh được mọi người nhớ đến qua các cuộc triển lãm về hoa sen: "Nửa đời đánh mất, nửa đời yêu sen" (năm 2012); "Bóng Mẹ" (2013); "Một nửa yêu thương" (2014); "Khoảnh khắc bên Mẹ" (2015) và "Vu Lan nhớ Mẹ" (2016); "Công đức sinh thành" (2017). Thông qua những buổi triển lãm này, anh thường xuyên tổ chức bán đấu giá ảnh để gây quỹ từ thiện cho các trẻ em nghèo hiếu học, người già neo đơn, những người khuyết tật... 

Phú Lữ
.
.
.