Cụ ông 110 tuổi miệt mài sưu tầm, bảo tồn văn hóa dân gian
- Cụ bà 100 tuổi tự mình đi bầu cử1
- 22 cụ 100 tuổi được nhận quà của Chủ tịch nước
- Cụ bà 100 tuổi vẫn miệt mài làm việc
Mỗi ngày ông thường đọc sách ngữ văn, nho văn, nghe nhìn thời sự qua tivi, radio, bàn luận chuyện đạo và đời, sáng tác và viết câu đối khi trong làng có việc lễ - hiếu... Lão nông đó là cụ Huỳnh Cát, sinh năm 1907, trú ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
1. Tôi tìm gặp cụ Huỳnh Cát giữa buổi sáng tháng 5-2016 trong căn nhà giữa vườn mai kiểng đang độ sung sức, tươi xanh. Bất ngờ đầu tiên mà tôi nhìn thấy là hình ảnh ông cụ mặc bộ bà ba xanh nhạt, ngồi đong đưa trên chiếc võng cước để đọc sách bằng... kính lúp.
Nghe tiếng gọi, ông rời khỏi chiếc võng bước lên mở cửa phòng khách, đón khách tôi bằng nụ cười thân thiện, trên tay ông vẫn cầm quyển sách 710 trang giấy ngả màu vàng úa, nhưng mặt bìa còn đậm nét chữ “Nho văn giáo khoa toàn thư” của tác giả Nguyễn Văn Ba - Nhà xuất bản Văn Hiến ấn hành ngày 15-8-1970.
Khi đã ngồi đối diện ở bộ bàn ghế sa lon gỗ, tôi ngắm nhìn chân dung của ông với mái tóc bạc chải ngược phía sau, để lộ vầng trán cao trên gương mặt hiện hữu thần sắc kiên nghị, thông thái và nhân hậu. Điều đáng ngạc nhiên là cụ Cát bước đi rất bình thường, tay không run rẩy, tai thính, giọng nói rõ ràng và gần như không lấp vấp câu chữ nào.
Mắt kính bị hỏng nên cụ Huỳnh Cát phải đọc sách bằng kính lúp. |
Sau khi rót trà mời khách, cụ Cát chỉ tay vào quyển sách “Nho văn giáo khoa toàn thư”, rồi bảo: “Mắt kính bị hư mấy bữa nay chưa kịp sắm lại nên tui dùng tạm kính lúp để đọc sách”.
Khi tôi đưa tờ báo Công an nhân dân, cụ Cát cầm kính lúp đọc rõ nghĩa từng mẩu tin, sau đó ông nhắc lại nhiều sự kiện trong nước và quốc tế đã nghe, nhìn trong những bản tin thời sự VTV1. Độc đáo hơn nữa, cụ Cát nhớ đầy đủ họ tên cha mẹ, anh chị em, thầy đồ dạy chữ nho và những dấu ấn trong cuộc đời của mình. Khi cần lấy giấy tờ, sách vở và vật dụng sinh hoạt cá nhân, cụ Cát đến đúng vị trí đã cất giữ mà không cần tìm kiếm.
Sau vài phút trầm lặng như để suy tưởng, cụ Cát nhớ lại: “Thời xưa làng quê này là thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân, tổng Hòa Lạc, phủ Tuy Hòa. Cha mẹ tui sinh dưỡng 8 người con, anh cả tui là Huỳnh Cương - Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hòa Tân thời Việt Minh, 3 người em kề là Huỳnh Hoàng, Huỳnh Ra, Huỳnh Thị Giãn đều thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ và đã hy sinh nên má tui là Lê Thị Bồng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Ngừng một lát, cụ Cát kể tiếp: “Thời niên thiếu tui học Việt ngữ, Pháp ngữ ở Trường công lập xã Hòa Bình. Ban đêm chong đèn học chữ nho của hai thầy đồ Lê Trấp Phi, Huỳnh Khắc Minh. Nhờ có chút chữ nghĩa nên năm 1945, tui được chính quyền Việt Minh phân công làm Trưởng Ban bình dân học vụ xã Hòa Tân, lúc đó tui 38 tuổi. 3 năm sau tui làm Bí thư nông hội, lo việc cải cách điền địa, giảm tô, giảm tuất rồi chuyển sang làm tín dụng xã, lo phân chia tiền cho gia đình bần cố nông”.
Cụ Cát nhớ lại: “Mỗi khi gà gáy canh ba, tui cùng mấy nhân viên trong xã đi bộ ra tới La Hai, huyện Đồng Xuân để nhận tín phiếu mang về phân phát cho người nghèo. Năm 1954, khi có lệnh ngừng bắn theo Hiệp định Giơneve, thanh niên trong làng đi tập kết ra Bắc, tui lớn tuổi phải ở lại hoạt động bí mật một thời gian thì một số cán bộ cách mạng ở Hòa Tân lần lượt hy sinh nên tui mất liên lạc. Năm 1965, xã Hòa Tân biến thành “vùng trắng” do địch càn quét ráo riết, đồng bào phải di tản về xã Hòa Thành sinh sống. Khi tỉnh Phú Yên giải phóng (4-1975), tui đã 68 tuổi nhưng vẫn công tác ở Hội phụ lão xã Hòa Tân hai năm mới nghỉ”.
Vui chuyện, tôi dò hỏi tuổi tác, cụ Cát bước về phía chiếc hộp đặt ở đầu giường ngủ của ông lấy ra tấm Thẻ căn cước số 06401029 do Ty Cảnh sát quốc gia Phú Yên chế độ cũ cấp ngày 10-11-1970 và Giấy chứng minh nhân dân số 220159891 do Ty Công an Phú Khánh cấp ngày 27-9-1978. Cả hai tài liệu này đều ghi nhận cụ Huỳnh Cát sinh năm 1907. Trên tường ở phòng khách có tấm bằng mừng thọ cụ Huỳnh Cát 100 tuổi của UBND tỉnh Phú Yên trao cho ông năm 2007, trên bàn có thiệp mừng thọ cụ Huỳnh Cát hơn 107 tuổi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký ngày 5-9-2014.
2. Hiếm có một người nào đại thượng thọ nhưng trí lực vẫn còn tốt như cụ Huỳnh Cát. Bởi lẽ khi đến bách niên, hầu hết các cụ lão đều mất sức, phải nằm một chỗ, nếu đi lại được cũng chỉ chống gậy lom khom trong sân nhà, hay con cháu dìu dắt đi chậm từng bước. Đằng này từ nhiều năm qua cụ Cát không chỉ sinh hoạt rất bình thường mà còn dành nhiều tâm huyết và công sức bảo tồn bản sắc văn hóa ở địa phương.
Ngoài việc sáng tác câu đối, trao đổi, hướng dẫn chữ nho cho một số tu sĩ Phật giáo, cụ Cát còn viết chữ nho trên các bức liễn cho nhiều nhà thờ tộc họ, chùa, đình, lẫm, miếu... và tham gia trông giữ 4 sắc phong triều Nguyễn trong lẫm thờ các bậc tiền hiền ở làng Cảnh Phước.
Tác giả trò chuyện với cụ Huỳnh Cát. |
Ông bảo: “Thời phong kiến tui đã sinh trưởng qua 3 đời vua Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Lẫm làng ở Cảnh Phước này đã có từ thời đó, nhưng do chiến tranh tàn phá và thời gian sử dụng quá lâu nên năm 1998 người dân địa phương đóng góp vật chất, công sức để xây dựng lại, đến giờ này cũng đã xuống cấp. Phía trước lẫm làng tui có viết: “Tiền nhơn cấu tạo quy mô diễn. Hậu thế kinh doanh đức nghiệp tân”. Nghĩa là: “Người trước xây dựng đã rõ ràng. Người sau bồi đắp thêm cho đẹp”. Đó cũng là thông điệp ông gửi đến nhiều người với ước muốn sớm tu sửa lẫm làng để con cháu đời sau luôn tưởng nhớ các bậc tiền nhân”.
Vui chuyện, cụ Cát chia sẻ: “Tui già yếu rồi, nếu có tiền cũng không đủ sức để đi ngắm nhìn nơi này, chỗ kia như thời còn trai trẻ. Bù lại là ngày nào tui cũng nghe đài, xem tivi nên phần nào biết được đất nước mình ngày càng được xây dựng, phát triển nhiều mặt. Không nói đâu xa, đường sá làng quê này đã được đổ bê tông, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, trụ sở xã và nhiều nhà dân xây dựng đẹp hơn. Thời tui trai trẻ, đi chân đất ra đồng làm ruộng, bây giờ đâu còn khó khổ như trước vì đã có máy móc cày đất, cắt lúa, tuốt lúa. Từ lúa bó, lúa hạt đến rơm rạ ngoài đồng đã có cộ bò chở về tận nhà, không phải còng lưng gồng gánh như xưa...”.
Nói tới vấn đề giáo dục thế hệ trẻ, cụ Cát bày tỏ lo ngại khi một số trường học thiếu chú trọng đến chuyện “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ông bảo: “Tui muốn thầy cô, cha mẹ dành nhiều thời gian dạy dỗ học trò, con cháu mình biết lễ nghĩa gia phong, trật tự xã hội… Gia đình giáo dục con cái học chữ “Nhẫn” và phải biết “Kính trên, nhường dưới”, “Xuất tất cáo, phản tất diện” - nghĩa là “Đi phải thưa, về phải trình”. Không phải muốn đi đâu tùy thích, đến khi sai lầm phạm pháp thì đã muộn, tiền nhân đã dạy “Không lo xa ắt có buồn gần”... Thời nay có điều kiện tốt nên cha mẹ, thầy cô phải khuyên răn lớp trẻ chú tâm học hành để lo cho chính mình và phụng sự đất nước thanh bình, thịnh vượng”…
Bất ngờ và ngạc nhiên hơn nữa là cụ Cát không chỉ nói mấy câu tiếng Pháp, mà còn đọc cho tôi nghe vài đoạn trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn, rồi ông bảo “Truyện Kiều có 3.254 câu, còn Chinh phụ ngâm 476 câu, tui thuộc hết”.
Khi tôi hỏi đến bí quyết sống lâu, sống khỏe, cụ Cát cười rồi bảo: “Chắc là trời thương. Tui ăn uống rất bình thường, không ăn đồ chế biến có chất màu hay nhiều dầu, mỡ. Bữa ăn ngon miệng nhất của tui trong mấy năm nay là cơm trắng, muối mè. Buổi sáng thức dậy tui tự xoa bóp tay chân, hít thở khí trời ngoài vườn, rồi ra đường làng đi bộ thể dục…”.
Trước khi tiễn khách ra ngõ, cụ Huỳnh Cát cầm bút viết bằng chữ nho vào sổ tay của tôi câu châm ngôn: “Dưỡng tử phương tri phụ mẫu ân” – nghĩa là “Nuôi con mới biết công lao của cha mẹ”. Nhìn nét viết đều và đẹp, tay không run, tôi thầm cảm phục tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, nhận thức giáo dục đạo đức nhân văn, nghĩa cử đời thường và trách nhiệm bảo tồn văn hóa, tưởng nhớ các bậc tiền hiền của lão nông Huỳnh Cát – chủ nhân một gia đình điển hình văn hóa về “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.