Xử lý vi phạm hành chính: Cắt điện, nước chỉ nên là biện pháp ngăn chặn?

Thứ Tư, 10/06/2020, 14:09

Sáng 10-6, Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, có một vấn đề luật chưa nêu, trong khi nhân dân rất mong đó là bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với cán bộ công chức có những hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chưa đến mức truy tố trách nhiệm hình sự.

Biện pháp xử phạt đối với nhóm đối tượng này là rất cần thiết. Cần không phải vì cuộc chấn hưng uy tín của Đảng, Nhà nước nữa, mà hướng tới sàng lọc đội ngũ cán bộ theo tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói rất nhiều trước thềm Đại hội đảng các cấp. 'Tôi nghĩ phải đưa vào, coi như là cam kết của Nhà nước để trừng trị những vi phạm trong hệ thống của chính Nhà nước, người chịu trách nhiệm đó chính là cán bộ công chức thực thi", đại biểu nói.

ĐBQH Vũ Hồng Thanh phát biểu thảo luận tại tổ.

Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Cà Mau không tán thành biện pháp trừng phạt cắt điện, nước. Nếu như phải quy định rõ hơn thì biện pháp này phải hướng đến cắt nguồn nguyên liệu để trừng phạt các hoạt động sản xuất kinh doanh, để nhắc nhở họ thực hiện tốt các chế tài hành chính. Điều này khác với trừng phạt hướng vào nhu cầu cuộc sống của con người.

Theo ĐBQH Ngô Sách Thực (Bắc Giang), việc ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước với cá nhân vi phạm trong xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ là biện pháp xử lý hành chính, nhưng đây chỉ nên là biện pháp ngăn chặn. "Hợp đồng cung cấp điện nước là hợp đồng dân sự, nếu xử lý hành chính thì cần phải rà soát lại hợp đồng dân sự điện, nước. Cho nên đây chỉ nên là biện pháp ngăn chặn chứ không nên là biện pháp hành chính. Đưa vào là khó", đại biểu nhận định.

Trong khi đó, ĐBQH Đỗ Tiến Sỹ (Hưng Yên) nêu quan điểm, cần kiên quyết xử lý vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng để tránh "một người làm được cả làng cũng làm được". Trong thực tiễn, có việc lấn chiếm hàng lang lưới điện, vi phạm trật tự xây dựng nhưng mỗi lần ngắt điện, nước thì bị ý kiến đơn thư, nhiều nơi người vi phạm còn mang đồ ra chắn ngang nơi cưỡng chế không cho lực lượng chức năng vào xử phạt, thậm chí nhờ người hiểu biết về pháp luật đến có ý kiến, cản trở...

Do đó, nếu quy định vấn đề cắt điện nước tại luật này sẽ là căn cứ, làm cho việc điều hành của chính quyền tăng hiệu lực, hiệu quả hơn. Bởi thực tiễn cho thấy vi phạm hành chính là vấn đề diễn ra phổ biến và thường xuyên.

Bày tỏ đồng tình, ĐBQH Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh) chỉ ra thực tế quá trình giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, dù đầy đủ các điều kiện rồi nhưng có trường hợp vẫn chây ì không chấp hành và việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước cũng là biện pháp được tính đến. Ông ủng hộ cần quy định cơ chế này trong Luật để chính quyền cơ sở có thể áp dụng xử lý khi cần thiết.

ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, về hình thức xử lý vi phạm hành chính thì Luật đưa ra nhiều hình thức nhưng chủ yếu là phạt tiền, mức răn đe chưa cao, chưa đảm bảo phù hợp với hậu quả gây ra của hình thức vi phạm. Trong khi các vụ việc vi phạm càng ngày càng nhiều.

"Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân có ý kiến, đối với những người khá giả, hình thức phạt tiền không đáng bao nhiều, người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để nộp phạt. Còn như hình thức lao động công ích, nếu là doanh nhân thành đạt hoặc công chức bị xử lý theo hình thức này người ta sẽ e ngại hơn. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu vấn đề này", nữ đại biểu đề xuất.

A.Quỳnh
.
.
.