Xây dựng TP Cần Thơ thành đô thị thông minh

Thứ Hai, 21/05/2018, 11:43
Ngày 21-5, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn VNPT, tổ chức Hội thảo “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025”.

Thượng tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, dự và tham luận tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có 500 đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương trong khu vực ĐBSCL; các sở, ban, ngành đoàn thể TP Cần Thơ; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Về phía địa phương có ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Thượng tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Thành, phát biểu tham luận tại Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh, 10 năm trở lại đây tốc độ đô thị hóa của TP Cần Thơ diễn ra nhanh chóng, kết cấu hạ tầng đô thị dần được đầu tư đồng bộ, tạo nên những điểm nhấn trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Song, tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang bộc lộ nhiều bất cập ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, như: tình trạng ngập nghẹt, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông; công tác quản lý dân cư, đảm bảo các dịch vụ thiết yếu (nhà ở, y tế, giáo dục, điện nước...) vẫn còn hạn chế. 

Do đó, chính quyền thành phố xác định mục tiêu “Xây dựng và phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”. 

Theo ông Võ Thành Thống, việc nghiên cứu, triển khai mô hình quản lý và phát triển đô thị theo hướng thông minh hơn không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững của TP Cần Thơ. Xây dựng đô thị thông minh cũng là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. “Thành phố tổ chức Hội thảo “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025” nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về triển khai mô hình đô thị thông minh, các giải pháp phát triển đô thị thông minh” – ông Võ Thành Thống cho biết...

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Tham luận tại Hội thảo, Thượng tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Thành, thông tin đến các đại biểu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) và xây dựng mô hình “Thành phố thông minh” nhằm đảm bảo các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn. Theo đó, đặc trưng của cách mạng 4.0 là các hệ thống sản xuất thực - ảo (Cyber Physical systems-CPS) được Dr.Jame Truchat - Giám đốc điều hành của National Instrument đưa ra vào năm 2006 với việc thiết bị thông minh làm việc với nhau qua mạng không dây hoặc qua “đám mây”.

Cách mạng 4.0 gồm 15 lĩnh vực chủ đạo, như: cơ sở dữ liệu, thành phố thông minh, tiền ảo, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo... Tác động của cách mạng 4.0 đã đem đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho toàn cầu đối với an ninh chính trị, KT-XH, cạnh tranh việc làm, tăng sức ép dòng người nhập cư... 

Thượng tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Thành, thăm hỏi các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Đối với mô hình “Thành phố thông minh”, PGS-TS Nguyễn Văn Thành đã phân tích các điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức khi xây dựng mô hình. Theo đó, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành cơ sở cho hướng phát triển các “Thành phố thông minh”. Mô hình “Thành phố thông minh” (smart city) là thành phố sử dụng công cụ điều khiển hệ tích hợp kết nối giữa hệ thống thế giới thực và thế giới ảo với phương tiện là công nghệ thông tin và truyền thông nhằm mục tiêu xây dựng thành phố có giá trị, có sức sống, có khả năng phục hồi và cạnh tranh. Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào các lĩnh vực, “Thành phố thông minh” đã trở thành mô hình mẫu mực của nhiều đô thị hiện đại trên thế giới. 

Thượng tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Thành, cùng Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Võ Thành Thống. 

Tuy nhiên, quá trình phát triển “Thành phố thông minh” không chỉ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến mà còn cần một hệ thống quản trị thông minh, đảm bảo mạng lưới tích hợp và tương thích giữa yếu tố công nghệ mới với những đặc thù của địa phương. Xây dựng mô hình quản trị đô thị thông minh là điều mà chính quyền nhiều địa phương ở Việt Nam cần học tập từ kinh nghiệm đi trước của những thành phố phát triển trên thế giới.

“Về mặt khoa học, việc xây dựng bất cứ mô hình nào cũng cần được trải nghiệm trên thực tiễn, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm. Đặc biệt, thành phố là một xã hội, một phương thức phát triển của xã hội loài người, bao hàm rất nhiều mối quan hệ, các nhóm đối tượng với trình độ nhận thức, quan niệm, niềm tin, tôn giáo khác nhau, quy mô dân số và diện tích khác nhau, điều kiện tự nhiên khác nhau. Bên cạnh đó, quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng smart city cũng rất quan trọng. Do vậy, các địa phương khác nhau, các quốc gia khác nhau cũng cần có mô hình thực tế phù hợp” – Thượng tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Thành cho biết.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng 4.0 nói chung và xây dựng “Thành phố thông minh” nói riêng tại Việt Nam, trong đó có Cần Thơ. Đô thị thông minh là một giải pháp rất căn cơ để giải quyết, xử lý các vấn đề phát triển KT-XH. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng vì xây dựng “Thành phố thông minh” không phải chỉ là vấn đề công nghệ, hạ tầng thông tin mà trước hết phải là quản trị thông minh. 

Toàn cảnh Hội thảo. 

Trong đó quản trị bao hàm cả yếu tố công nghệ, các yếu tố tư duy hệ thống, cách phân bổ và khai thác nguồn lực như thế nào. Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược và kế hoạch dài hạn để đáp ứng được các tiêu chí của cuộc cách mạng 4.0 gồm an sinh, an ninh, an toàn. 

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, chúng ta cần đánh giá đúng vị trí của mình trong cuộc cách mạng 4.0, qua đó có lộ trình phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Văn Đức
.
.
.