Để thành phố thông minh thành hiện thực

Thứ Sáu, 20/10/2017, 11:32
Nếu như trên thế giới, cụm từ "thành phố thông minh" (TPTM) đã quá quen thuộc thì với Việt Nam, cụm từ này mới xuất hiện vài năm trở lại đây.

Hiểu một cách đơn giản nhất, TPTM là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị. 

Chưa bàn đến những hạn chế, được sống ở những TPTM quả thật là nhiều tiện ích. Con người sẽ năng động hơn, mọi dịch vụ sẽ thiết thực hơn nhằm hướng tới những mục đích tốt đẹp và thiết lập nên những giá trị bền vững trong cuộc sống hiện đại.

Theo khảo sát của Liên hợp quốc, hơn nửa số dân trên thế giới đang sinh sống và làm việc tại các thành phố. Đến năm 2050, con số này sẽ là 70%. Thành phố và các khu đô thị ngày một phình to tại mỗi quốc gia, dân số ở các vùng nông thôn tràn về thành phố, đó chính là bài toán cực kỳ phức tạp cho các nhà quản lý đô thị. 

Và phương án thiết lập TPTM tại các nước đang phát triển hoàn toàn phù hợp với xu thế thời cuộc. Nó cũng trở thành thách thức lớn mà các nhà quản lý trong thế kỷ này phải đối mặt nhằm tạo ra những thành phố không chỉ thông minh mà còn có tính bền vững.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Tất nhiên, trong tương lai gần, Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn sẽ được vận hành theo kiểu TPTM bởi sẵn có nhiều yếu tố nền tảng. Đặc biệt, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử và xếp thứ hạng cao trong các thành phố có chính quyền điện tử tại khu vực Đông Nam Á. Trước mắt, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên 4 lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp là y tế, giáo dục, giao thông và du lịch.

3 năm gần đây, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều dịch vụ công đã được các cơ quan cung cấp trực tuyến qua môi trường internet, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng Hà Nội trở thành TPTM, phục vụ đông đảo người dân ngày một tốt hơn.

Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, thành phố sẽ kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu dân cư trong công tác khám, thiết lập hồ sơ sức khỏe toàn dân; Xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, cấp mã y tế cá nhân, tiến tới sử dụng 1 thẻ khám chữa bệnh thống nhất cho tất cả các cơ sở y tế; Quản lý, lưu trữ toàn bộ hồ sơ sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân…

Còn với lĩnh vực giao thông thông minh, cách đây không lâu, thành phố đã thí điểm triển khai ứng dụng tìm kiếm chỗ và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (IPARKING) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). 

Ứng dụng này tuy không phải là mới nhưng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục cũng được quan tâm như: Cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi thành phố Hà Nội; Bổ sung trang thiết bị và cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát hành trình; Tăng cường năng lực kiểm tra giám sát hoạt động xe buýt trên địa bàn Hà Nội…

Theo lộ trình đó, các nhà lãnh đạo thành phố Hà Nội nhận định rất lạc quan: Sau năm 2020, Thủ đô Hà Nội sẽ là TPTM.

Nói thì dễ, nhưng để "sự lạc quan" đó trở thành hiện thực là một quá trình vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các nhà lãnh đạo mà còn đông đảo người dân. Những nhà lãnh đạo cần sự năng động, dám nghĩ dám làm, ứng dụng tốt những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Cùng với đó, người dân phải từ bỏ những thói quen xấu, chấp hành pháp luật nghiêm túc và có sự tương tác tích cực với các cấp chính quyền. 

Trong tương lai, khái niệm "thành phố truyền thống" sẽ dần được thay thế bằng TPTM. Song, cùng với những mặt tích cực của TPTM, chúng ta mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được giữ vững, phát huy. Có như thế, TPTM không chỉ bền vững mà còn đi vào chiều sâu, mang tính nhân văn và phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Tuấn Nguyễn
.
.
.