Việt Nam kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng thương lượng

Thứ Bảy, 07/01/2017, 19:29
Đây là lời khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí hôm 6-1.


Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nói về những thành tựu đối ngoại của Việt Nam, cũng như cơ hội và thách thức trong hoạt động đối ngoại năm 2017, đặc biệt là tình hình Biển Đông.

Phó Thủ tướng cho biết, tình hình Biển Đông trong năm 2016 vẫn có nhiều phức tạp. Đó là việc bồi đắp, mở rộng các đảo đá, đảo chìm trở thành đảo nổi, thiết lập cơ sở quân sự tại đây, làm cho tình hình phức tạp.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. ảnh: The New York Times

Trong năm 2016, tòa trọng tài đã ra phán quyết liên quan đến vụ kiện Philippines-Trung Quốc về những vấn đề pháp lý liên quan đến định nghĩa các đảo, đá; làm rõ yêu sách chủ quyền của các nước theo luật pháp quốc tế.

Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN cũng ra tuyên bố về Biển Đông, khẳng định lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Vì vậy, trong năm 2017, Việt Nam vẫn tiếp tục thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua thương lượng như chúng ta đang đàm phán với Trung Quốc về phân định ngoài cửa Vịnh Bắc bộ, thương lượng với Indonesia, Malaysia về thềm lục địa và ngoài thềm lục địa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Biển Đông là tuyến đường biển hết sức quan trọng, bất cứ động thái nào làm ảnh hưởng đến môi trường ổn định ở đây sẽ gây ra phản ứng của tất cả các nước, không chỉ là các nước có tuyên bố chủ quyền tại đây”.

Nhật Bản và Pháp cùng bày tỏ lo ngại về Biển Đông

Tại cuộc họp theo thể thức “2+2” này giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản-Pháp diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp hôm 6-1 (theo giờ Pháp), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishda và người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault đã nhất trí khởi động cuộc đàm phán về một hiệp ước song phương nhằm chia sẻ dịch vụ và hậu cần quốc phòng.

Nhưng điều khiến cộng đồng quốc tế chú ý và bàn tán nhiều hơn chính là việc cả 4 Bộ trưởng hai nước nói trên đã cùng đưa ra một tuyên bố chung trong đó bày tỏ sự phản đối về “hành động đơn phương vốn gây gia tăng căng thẳng trên Biển Đông” như cải tạo đảo dá, xây dựng các tiền đồn trên đảo nhân tạo hoặc sử dụng các đảo không người ở cho mục đích quân sự... Theo các Bộ trưởng Pháp và Nhật Bản, tất cả các bên có quyền lợi trên Biển Đông cần tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế và nỗ lực ngăn chặn các hành động trái phép.



Huyền Chi
.
.
.