Không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Thứ Tư, 14/12/2016, 07:49
Đây là cam kết mà Ấn Độ và Indonesia vừa đưa ra sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hôm 12-12. Đồng thời, tuyên bố này cũng là thông điệp mà các nước trong khu vực gửi tới Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang gia tăng hoạt động đơn phương tại Biển Đông.


Theo tin từ Tờ India Times, tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong ngày đầu tiên thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước ở Ấn Độ, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhắc tới vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh đến việc hai nước đạt thỏa thuận chung về sự cần thiết đối với các quyền tự do hàng hải và hợp tác hàng hải lớn hơn nữa trong khu vực, trên Thái Bình Dương và cả Ấn Độ Dương.

Thông cáo chung sau cuộc gặp cũng nêu rõ: “Là những đối tác chiến lược và láng giềng trên biển, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hơn nữa hợp tác về quốc phòng và an ninh”.

Dù không nói trực tiếp về Trung Quốc, song Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng kêu gọi phải minh bạch hơn nữa trong vấn đề an ninh hàng hải, giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình và không nên có hành động đơn phương để thay đổi hiện trạng ở trên biển.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) bắt tay Tổng thống Indonesia Joko Widodo sau khi đưa ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp báo ở Hyderabad, New Delhi hôm 12-12. Ảnh: PTI

Đồng thời, Ấn Độ và Indonesia cũng thúc giục các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy rõ sự tôn trọng của họ đối với Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) - một văn kiện thiết lập trật tự pháp lý quốc tế về các vùng biển và đại dương trên thế giới.

Bên cạnh đó, Tổng thống Joko Widodo và Thủ tướng Narendra Modi cũng nhất trí đẩy mạnh đối thoại an ninh, tăng cường tổ chức các cuộc tập trận chung và không để Biển Đông trở thành “nơi xảy ra xung đột và là bãi chiến trường” của các nước lớn trên thế giới.

Rõ ràng, vấn đề Biển Đông vẫn đang tiếp tục nóng trên chính trường quốc tế nhất là khi Trung Quốc, một mặt từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án trọng tài biển bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò), mặt khác vẫn tiếp tục có những hành động xây đảo và cải tạo đảo một cách trái phép và vi phạm luật pháp trên Biển Đông.

Những hình ảnh vệ tinh do Công ty Mỹ Planet Labs cung cấp cho biết, chỉ riêng ở đảo Bắc, cách đảo Phú Lâm khoảng 12km về phía Bắc, Trung Quốc đã thực hiện thêm nhiều công trình nạo vét và bồi đắp trái phép.

Chưa hết, hôm 8-12, Trung Quốc còn triển khai máy bay ném bom tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân H-6 bay lượn trên bầu trời Biển Đông…

Nói về việc thực thi phán quyết của tòa án xung quanh vụ kiện Biển Đông giữa Philippines-Trung Quốc cũng như việc thực hiện nghiêm túc UNCLOS trên vùng biển này, rất nhiều học giả và các nhà làm luật quốc tế đều cho rằng, phán quyết của tòa án bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để giúp làm giảm những tranh chấp ở Biển Đông xuống quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Nhưng việc Trung Quốc vẫn cố gửi công hàm cho Liên hợp quốc về yêu sách này cho thấy nước này vẫn quyết tâm theo đuổi những hành vi đơn phương, không có cơ sở pháp lý, lịch sử hay thực tiễn để làm phức tạp hơn nữa vấn đề Biển Đông.

Các học giả đến từ Hàn Quốc trong cuộc hội thảo hồi đầu tháng còn nhấn mạnh, những hành vi này đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm quy định của UNCLOS, nhất là khi Trung Quốc cũng là một thành viên; gây ra căng thẳng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.

GS Jeong Gap Yong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu luật biển thuộc Đại học Youngsan trong lần trả lời báo chí nói: “Trung Quốc cần nhanh chóng rút lại lập trường này đồng thời phải tìm ra phương án giải quyết thỏa đáng nhất với các nước xung quanh. Phương án để giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông là các nước phải cùng nhau phát triển vùng biển này”.

Huyền Chi
.
.
.