Tìm kiếm sáng kiến ngoại giao để giải quyết vấn đề Biển Đông

Chủ Nhật, 25/12/2016, 07:13
Ngày 22-12, Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai các chuyến bay thuê bao dân dụng thường nhật ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và đang đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Ngày càng có nhiều nước lên tiếng kêu gọi Trung Quốc phải thực hiện đúng phán quyết của tòa án trọng tài biển về vụ kiện Biển Đông với Philippines.


Tuyên bố của Mỹ, Philippines

Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã cho biết, chuyến bay thuê bao dân dụng đầu tiên của Trung Quốc ra đảo Phú Lâm xuất phát từ Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh đảo Hải Nam với mức giá 1.200 NDT/chiều. Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình từng nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Do đó, Việt Nam mạnh mẽ phản đối các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, phản đối các hoạt động quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Ảnh chụp qua vệ tinh do CSIS cung cấp cho thấy Trung Quốc vẫn có những hành động đơn phương quân sự hóa ở Biển Đông.

Cùng quan điểm này với Việt Nam và cũng để bày tỏ sự phản đối trước những hành động đơn phương của Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng của Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm 22-12 cho biết, nước này đang cân nhắc các sáng kiến ngoại giao và thủ tục pháp lý mà luật pháp quốc tế cho phép để giải quyết các mâu thuẫn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Ông Perfecto Yasay cũng khẳng định, chính phủ Philippines rất lo ngại và đang tiếp tục thu thập thông tin để xác minh về việc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra báo cáo về các hoạt động quân sự hóa rõ rệt của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp, bao gồm cả khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Ngoại trưởng Philippines nói: “Manila rất ngại nếu các thông tin này là đúng sự thật” và rằng dù chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte có gác vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sang một bên khi chưa có “một giải pháp sẵn sàng” nhưng nước này cũng không thỏa hiệp về các quyền của mình được nêu trong phán quyết của tòa trọng tài ngày 12-7 vừa qua.

Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi Trung Quốc “ngừng khiêu khích” trong vấn đề Biển Đông. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương còn khẳng định, Washington sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc nếu nước này tiếp tục hành động khẳng định chủ quyền sai trái ở Biển Đông. Theo tính toán của Mỹ, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 1.300 ha đất trên 7 đảo nhân tạo xây trái phép ở Biển Đông trong 3 năm qua. Đặc biệt, ở những điểm này, Trung Quốc đã xây các đường băng, cảng neo, nhà chứa máy bay và các trạm radar…

Và lời khẳng định của các học giả

Sự gia tăng hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến cả cộng đồng quốc tế lo ngại. Nhiều hội thảo về vấn đề này đã diễn ra liên tục tại Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Nhật Bản trong tháng 12 vừa qua. Mới đây nhất, tại hội thảo quốc tế với tên gọi “Tương lai hàng hải châu Á - Hậu phán quyết của tòa trọng tài thường trực diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, các học giả cũng đã kêu gọi các bên liên quan tiếp tục tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài.

Phát biểu tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Hideshi Tokuchi đã đề xuất 3 giải pháp nhằm thúc đẩy thực thi luật pháp tại các vùng biển Đông Á bao gồm các nỗ lực về ngoại giao, tránh tạo khoảng trống về quyền lực và quản lý khủng hoảng.

Ông Hideshi Tokuchi nhấn mạnh, tranh chấp tại Biển Đông mang tính đa phương, vì vậy các bên liên quan cần tiếp tục tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài cũng như chia sẻ nhận thức chung về luật pháp quốc tế. Nhiều học giả khác cũng cho rằng, các quốc gia cần tăng cường hợp tác trong khuôn khổ UNCLOS để giải quyết tranh chấp, thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Tại các hội thảo khác ở Ấn Độ và Hàn Quốc, đa số các ý kiến đều cho rằng, tình hình Biển Đông sau vụ kiện vẫn diễn biến phức tạp do Trung Quốc không tuân thủ phán quyết, ngược lại còn tiếp tục triển khai các hoạt động leo thang căng thẳng, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Vì thế, để ngăn chặn xung đột, đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông, ngoài phán quyết của tòa trọng tài, các quốc gia cũng cần tham gia tích hơn trong khi giữ vững nguyên tắc thông qua biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế.

Đáng chú ý trong một số bài tham luận như của GS.TS Kim Hyun-jae thuộc Đại học Youngsan, tác giả đã nhấn mạnh chính các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng leo thang căng thẳng và bế tắc trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông.

Riêng tại hội thảo về Biển Đông được tổ chức tại Ấn Độ, bài phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo đại biểu tham dự. Đại sứ Tôn Sinh Thành không chỉ nhấn mạnh phán quyết của PCA tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để giúp làm giảm những tranh chấp ở Biển Đông xuống quy mô nhỏ hơn mà còn nhấn mạnh rằng, Việt Nam là nước nằm ở Biển Đông và là nước tham gia UNCLOS, quyền chủ quyền và quyền phán quyết đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình và yêu cầu các nước khác phải tôn trọng vùng đặc quyền này theo UNCLOS.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tôn trọng quyền của các nước khác theo UNCLOS, trong đó có tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở. Liên quan tới những tranh chấp lãnh hải, Đại sứ Tôn Sinh Thành tiếp tục nêu rõ lập trường của Việt Nam đối với những tranh chấp ở Biển Đông là các bên liên quan nên giải quyết những tranh chấp này bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, đồng thời cho rằng điều tối quan trọng là các bên liên quan phải thể hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động đơn phương và quân sự hóa để giải quyết những tranh chấp này.

Và trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài mà tất cả các bên có thể chấp nhận được, các bên nên nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tránh làm phức tạp thêm tình hình. Việt Nam cũng hối thúc Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và kêu gọi tất cả các nước có những đóng góp xây dựng theo luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp về biển và đại dương.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.
.