Việt Nam-UNODC trao đổi về kinh nghiệm quản lý trại giam

Thứ Năm, 24/12/2020, 14:59
Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, từ ngày 22 - 24/12/2020, Cục Đối ngoại đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác quản lý trại giam tại TP Hồ Chí Minh.

Với mục đích tăng cường trao đổi kinh nghiệm và kiến thức trong quá trình quản lý trại giam, phạm nhân bạo lực cực đoan, phạm nhân nữ và nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý trại giam, hội thảo có sự tham gia của 28 đại biểu công tác trong lĩnh vực quản lý phạm nhân đến từ các trại giam, trại tạm giam, trường giáo dưỡng trực thuộc Bộ Công an và công an các tỉnh thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… 

Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia trực tuyến của ông Dai Tanaka, Quản lý dự án về truy tố, UNODC khu vực Đông Nam Á Thái Bình Dương.

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại phát biểu tại Lễ Khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Thượng tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thi hành án phạt tù trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, Thượng tá Nguyễn Minh Hiếu đã chỉ ra những thách thức, khó khăn phát sinh trong công tác giáo dục và cải tạo phạm nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang đi vào chiều sâu và đặt ra nhiều vấn đề mới, tác động đa chiều đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong các phiên thảo luận, dưới sự hướng dẫn trực tuyến của TS Alison Granger-Brown, chuyên gia tư vấn UNODC về hoạt động quản lý phạm nhân, các đại biểu đã cùng nhau lần lượt tìm hiểu những vấn đề liên quan đến An ninh động trong trại giam, tập chung vào các phương pháp nâng cao kỹ năng chuyên môn cũng như khía cạnh tâm lý của cán bộ quản lý trại giam khi giao tiếp với phạm nhân.

Ngoài ra, các đại biểu và chuyên gia UNODC cũng thảo luận về các điểm mấu chốt trong Bộ quy tắc Nelson Mandela và Bộ quy tắc Bangkok trong đối xử với phạm nhân, đặc biệt là phạm nhân nữ đang mang thai, phạm nhân nữ đang có con nhỏ, phạm nhân có vấn đề về sức khỏe tinh thần và công tác tái hòa nhập cộng đồng của phạm nhân sau khi mãn hạn tù.

Các đại biểu và Ban tổ chức chương trình.

Bên cạnh đó, Hội thảo đã thảo luận về một số tình huống xử lý phạm nhận bạo lực cực đoan, các vấn đề liên quan đến nhạy cảm giới và các đại biểu cũngcùng trao đổi những thuận lợi và khó khăn thực tiễn của cán bộ quản lý trại giam tại Việt Nam, đưa ra một số phương hướng giải quyết để nâng cao chất lượng công tác. Phía chuyên gia Canada cũng trả lời những thắc mắc của đại biểu liên quan đến công tác quản lý trại giam ở Canada, đặc biệt là phương pháp quản lý phạm nhân nữ và phạm nhân chuyển giới.

Cuối cùng, Hội thảo đề cập đến vấn đề sử dụng còng và cùm như một biện pháp kỷ luật hay bảo vệ phạm nhân khỏi tự làm hại bản thân, tình trạng phạm nhân nghiện ma túy và các yếu tố tâm lý liên quan cũng như nhu cầu thực hành tín ngưỡng tôn giáo trong trại giam của phạm nhân.

Nguyễn Việt Linh
.
.
.