Vi phạm trong khai thác khoáng sản bị phạt từ 1 đến 2 tỷ đồng

Thứ Năm, 26/03/2020, 17:47
Ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước và khoáng sản.


Nghị định số 36 quy định một số hình thức xử phạt gồm: cảnh cáo, phạt tiền trong lĩnh vực tài nguyên nước từ 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức. Đối với lĩnh vực khoáng sản, xử phạt 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. 

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 24 tháng và một số hình phạt bổ sung khác. 

Cơ quan Công an xử lý cá nhân vi phạm về khai thác khoáng sản.

Nghị định này quy định: Lực lượng CAND có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đối với các hành vi vi phạm. 

Theo đó, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Trưởng phòng An ninh kinh tế có quyền: phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 25 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 3, Điều 4 của Nghị định này.

Khoản 3, Điều 4 quy định: buộc tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính thực hiện đầy đủ biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiêm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác; buộc thực hiện các giải pháp phục hồi đất đai, môi trường; buộc san lấp các công trình thăm dò; buộc nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ khoản tiền sử dụng thông tin về khoáng sản theo thông báo của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…

Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 50 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 3, Điều 4 của Nghị định này.

Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông và Cục trưởng Cục An ninh kinh tế có quyền: phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 1 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 3, Điều 4 của Nghị định này. Ngoài lực lượng Công an, một số lực lượng khác có thẩm quyền xử phạt về lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản là: Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển.

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản gồm: công chức được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đang thi hành công vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND cấp huyện.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2020.

Nguyễn Hưng
.
.
.