Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực

Thứ Ba, 09/08/2016, 08:49
Báo cáo cuối tháng 7 vừa qua của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng cho biết: 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện vi phạm 12.035 tỷ đồng, 2.828 ha đất; kiến nghị thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng và hàng nghìn ha đất khác. Các cơ quan điều tra trong CAND cũng đã thụ lý điều tra 173 vụ án, 481 bị can phạm tội về tham nhũng. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa phản ánh được thực chất những gì đang thực sự diễn ra.

Chưa phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực

Theo báo cáo của Chính phủ, các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng đã được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai. 6 tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại 17 bộ, ngành, địa phương, cơ quan.

Về công khai, minh bạch trong hoạt động, Thanh tra Chính phủ cho biết các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra 2.020 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 19 đơn vị vi phạm. Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 511 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 14 vụ việc vi phạm, xử lý 3 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 1,8 tỷ đồng.

Về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã hoàn thành việc kê khai tài sản năm 2015 là 932.146 người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai là 918.939 bản, đạt tỷ lệ 99,2%. Đáng chú ý, chỉ có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm…, chỉ một số ít được yêu cầu xác minh là do có phản ánh về việc kê khai không trung thực.

Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội. 

Kiểm tra việc thực hiện tại 1.126 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, xử lý 22 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm. 

Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 3.810 cán bộ, công chức, viên chức. Có 5 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó Thừa Thiên - Huế 1 trường hợp, Quảng Ngãi 2 trường hợp, Tây Ninh 2 trường hợp.

Vụ án Phạm Công Danh đang xét xử được dư luận đặc biệt quan tâm.

Chuyển xử lý hình sự 45 đối tượng tham nhũng

Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 3.302 cuộc thanh tra hành chính và 123.807 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. 

Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.035 tỷ đồng, 2.828 ha đất; kiến nghị thu hồi 7.621 tỷ đồng và 824 ha đất (đã thu hồi 2.288 tỷ đồng, 423 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 4.414 tỷ đồng, 2.004 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 3.546 tỷ đồng; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể, cá nhân; ban hành 82.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân. 

Đáng chú ý, có 30 vụ, 45 đối tượng đã được chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự vì hành vi vi phạm nghiêm trọng.

Các cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 173 vụ án, 481 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong số này, có 105 vụ, 335 bị can từ năm 2015 chuyển sang. Năm 2016 khởi tố mới 68 vụ, 146 bị can, gây thiệt hại trên 393 tỷ đồng và 838m² đất; đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước 117,8 tỷ đồng, đạt 30%. 

Đến thời điểm báo cáo, cơ quan điều tra đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 51 vụ, 185 bị can; tạm đình chỉ điều tra 4 vụ, 13 bị can; đình chỉ điều tra 4 vụ, 3 bị can; xử lý khác (thay đổi tội danh, nhập vụ án, chuyển lực lượng khác thụ lý...) 7 vụ, 21 bị can; hiện đang điều tra 107 vụ, 259 bị can.

Thanh tra Chính phủ đánh giá, trong 6 tháng đầu năm nay, công tác phòng, chống tham nhũng “được triển khai thực hiện thường xuyên và tiếp tục có những chuyển biến tích cực”. 

Chính phủ đã cơ bản thực hiện tốt việc tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là về nhận định tình hình tham nhũng; tăng cường phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý.

Việc thực thi quyền lực nhà nước cũng được tăng cường giám sát, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trên cơ sở xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và xã hội; nêu cao trách nhiệm, sức chiến đấu và hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; công tác đôn đốc ráo riết hơn.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành được đánh giá là “chưa được tập trung cao, còn thiếu quyết liệt”, “tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp”, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa tích cực và chưa phát huy hiệu quả thực tế; một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn chưa thực sự quan tâm thực hiện, còn hình thức.

Hiệu quả một số cuộc thanh tra trách nhiệm chưa cao. Việc xử lý đơn thư tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát hiện hành vi tham nhũng còn hạn chế. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng hiệu quả thấp. Một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng không hợp lý, gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

V.Hân
.
.
.