Tổng Bí thư: “Làm đặc khu không phải để người ta vào chiếm hết cả đất“

Chủ Nhật, 17/06/2018, 21:37
Giải tỏa lo ngại của cử tri về vấn đề đặc khu, Tổng Bí thư khẳng định, xây dựng đặc khu để phát huy được tất cả các lợi thế của đất nước.

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và đầy tinh thần xây dựng của cử tri quận Cầu Giấy, Hà Nội tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 17-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, với tư cách đại biểu Quốc hội sẽ chân thành tiếp thu để phản ánh với Quốc hội và các cơ quan liên quan.

Làm rõ thêm các nội dung được cử tri quan tâm về nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề kê khai tài sản, Tổng Bí thư cho rằng, đây là những vấn đề không chỉ cử tri Cầu Giấy mà cử tri ở nhiều nơi đều dành sự quan tâm đặc biệt và nêu ra ở hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri.

Đồng tình với quan điểm của cử tri cho rằng, phải coi công cuộc phòng chống tham nhũng giống như cuộc đấu tranh chống giặc “nội xâm”, phải phát động toàn dân tham gia và phải làm quyết liệt hơn nữa để thu hồi được tài sản; vấn đề kê khai tài sản cũng phải quyết tâm làm và đặc biệt phải công khai kết quả, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm chống tham nhũng trong cả hệ thống chính trị. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy chiều 17-6.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật phòng chống tham nhũng, tập trung vào nội dung “khó” đó là: không chỉ chống tham nhũng trong khu vực công chức, viên chức doanh nghiệp Nhà nước mà còn mở ra ở khu vực ngoài Nhà nước, tư nhân và đã nhận được sự tán thành cao của đại biểu Quốc hội.

Cho rằng, vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân, Tổng Bí thư mong muốn cử tri tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để có thể hoàn thiện được luật này và sớm được Quốc hội thông qua.

Về vấn đề đặc khu kinh tế, một vấn đề thời sự "nóng" hiện nay, Tổng Bí thư nhấn mạnh, trên thế giới nhiều nước đã có đặc khu kinh tế bởi nó được coi là một phương thức tổ chức quản lý kinh tế, các nguồn lực trong nước và ngoài nước để khai thác tối đa lợi thế nhằm làm giàu cho đất nước nhưng vẫn bảo đảm độc lập, chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tổng Bí thư cho biết, vấn đề này đã từng nghiên cứu từ những năm 90 của thế kỷ trước, trải qua rất nhiều lần nghiên cứu, nhiều văn bản nghị quyết được ban hành nhưng để làm được cần phải có luật. Quá trình xây dựng luật cũng đã lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cử tri. 

Dự kiến luật sẽ được thông qua ở kỳ họp này nhưng khi bàn thảo ở Quốc hội vẫn còn có những ý kiến góp ý khác nhau, vì vậy, Quốc hội đã tiếp thu, thay đổi chương trình, xin chưa thông qua tại kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện sao cho thật chặt chẽ trước khi thông qua.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Vấn đề đặc khu kinh tế không chỉ liên quan đến nước nào vào, vấn đề đất đai mà nó phải phát huy được tất cả các lợi thế của đất nước, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách dựa trên nguyên tắc độc lập, chủ quyền chứ không phải người ta ào vào chiếm hết cả đất của mình. Chúng ta có thể yên tâm, vấn đề này phải được làm một cách chặt chẽ, chín chắn”.

Về nội dung Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, Tổng Bí thư nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đã làm. Mặt tích cực của mạng là tốt, nhanh nhạy, đa dạng, nhiều thông tin, nhiều chiều nhưng các thế lực xấu, thế lực phản động đã lợi dụng mạng để kích động, xuyên tạc… cực kỳ nguy hiểm, trong khi không phải lúc nào cũng kiểm chứng được hết các thông tin. 

Tổng Bí thư nói: "Chúng ta phải học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này để làm sao mọi người được sử dụng mạng một cách an toàn".

Theo VOV
.
.
.