Thủ tướng: Cần có cơ chế vượt trội cho các đặc khu

Thứ Tư, 18/04/2018, 18:38
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vấn đề lớn nhất đối với các đặc khu là thể chế chính sách pháp luật có sự khác biệt so với thể chế đang áp dụng.

Sáng 18-4, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (thường gọi là đặc khu) đã họp lần đầu tiên sau khi được thành lập theo Quyết định số 56 của Thủ tướng tháng 1-2018.

Cùng dự buổi làm việc có các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; các thành viên của Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương có đặc khu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tiến độ xây dựng Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sau khi Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 4, từ tháng 1 năm nay, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật.

Lãnh đạo 3 địa phương có đặc khu là Quảng Ninh, Kiên Giang và Khánh Hòa báo cáo Ban Chỉ đạo đều cho biết, đã hoàn thiện Đề án xây dựng đặc khu, đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định. Trong quá trình đó, các địa phương cũng đã thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản như đường cao tốc, các tuyến đường kết nối, hạ tầng sân bay, cảng biển.

Về tình hình mua bán đất và xây dựng công trình trái phép, các địa phương báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, trong khi tình hình này ở Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh và Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa đã bước đầu được kiểm soát thì tại Phú Quốc, Kiên Giang vẫn diễn biến phức tạp. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra xử lý từ tháng 10/2017 và đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, trong đó đã có 9 nhóm bảo kê thao túng thị trường trái pháp luật đã bị bắt giữ hoặc xử lý hành chính.

Cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra, đến thời điểm này, tỷ lệ xây dựng trái phép chiếm 63%. Tức là 100 căn kiểm tra thì 63 căn là sai phép và trái phép. Những trường hợp này đã được lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và sẽ tiến hành cưỡng chế. Hiện nay, tình hình mua bán trái phép và xây dựng sai phép khá nhiều, tỉnh cũng đã hết sức nỗ lực. Tuy nhiên, việc ngăn chặn cũng mới chững lại, chưa dứt điểm được. 

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo đã có ý kiến góp ý vào dự thảo Luật, trong đó có các vấn đề về ưu đãi đầu tư, ngành nghề ưu tiên phát triển; nhà đầu tư chiến lược, thủ tục đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cơ chế tài chính, ngân sách đầu tư ban đầu cho đặc khu…

Thủ tướng đề nghị có cơ chế vượt trội cho các đặc khu.
Theo VOV
.
.
.