Tiếc thương người Chủ tịch nước tận tuỵ, gần gũi với nhân dân
Từ hơn 6h sáng 26-9, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), hàng trăm đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các tầng lớp nhân dân đã xếp hàng chờ để vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bày tỏ tình cảm, niềm tiếc thương đối với Chủ tịch nước - người con ưu tú của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
- Quê nhà nghẹn ngào tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang
- Lễ tang đồng chí Trần Đại Quang
- Đại sứ quán Việt Nam tại các nước tổ chức lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang
- An ninh được thắt chặt tại Lễ quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Hoà vào dòng người ấy, chúng tôi thấy có cả những đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người thân, những cựu chiến binh, hay những người dân sống ở các tỉnh, thành phố xa xôi như Sơn La, Tuyên Quang…
Đến viếng Chủ tịch nước từ sớm, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chia sẻ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một nhà lãnh đạo tài năng với tấm lòng nhân ái, đức độ, mẫu mực và luôn nghĩ đến đồng bào, đồng chí. “Tuy anh Quang mới đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước được hơn 2 năm, nhưng đã để lại trong lòng tất cả mọi người sự mến thương bởi tấm lòng và sự nhân ái, hy sinh hết mình vì đất nước, vì nhân dân”, bà Doan nói.
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 76 tuổi, đến từ Tuyên Quang xúc động chờ vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang |
Trên lĩnh vực đối ngoại, Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một nhà ngoại giao mẫu mực, trong quá trình điều hành và tham gia những cuộc đối thoại với các nước hoặc trên các diễn đàn, Chủ tịch nước luôn thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu đất nước và bản lĩnh của một vị tướng Công an, đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết. Chính vì vậy, trong những ngày qua, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới và các nguyên thủ quốc gia đã gửi điện chia buồn về sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
“Đối với cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Chủ tịch nước, anh Quang luôn quan tâm và thực hiện nhiều đổi mới, làm cho đời sống cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên. Chủ tịch nước cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi những người về hưu như chúng tôi, xem cần giúp đỡ gì trong cuộc sống hay không…” – nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan xúc động nhớ lại.
Ông Đỗ Tín Nhiệm, trú thôn Lại Định, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc – người họ hàng bên ngoại của Chủ tịch nước có mặt từ 5 sáng. Theo ông, ấn tượng nhất về Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một người lãnh đạo rất gần gũi với dân, thân thiện với mọi người, không hề có biểu hiện xa dân, quan cách.
“Chủ tịch nước mỗi lần gặp chúng tôi đều bắt tay hồ hởi. Trong cái nắm tay thật chặt, chúng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm thân thiết. Hôm nay chúng tôi là những người trong làng, trong họ đã đến rất đông để tri ân với Chủ tịch nước cũng như chia buồn cùng gia quyến…”, ông Nhiệm rưng rưng tâm sự.
"Những người dân bình thường như chúng tôi luôn nhớ về bác Quang" - ông Vũ Hữu Hiệu khẳng định |
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 76 tuổi, đến từ Tuyên Quang cũng có mặt tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông từ sáng sớm 26-9 để chờ được vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong cái nắng dịu của mùa Thu Hà Nội, bà xúc động chia sẻ, mặc dù chưa từng được gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần nào, nhưng qua báo đài, chứng kiến cảnh Chủ tịch nước làm việc tận tuỵ, hết lòng vì nhân dân, vì đất nước đến những giây phút cuối đời, dù trong người Chủ tịch đang mang trong mình trọng bệnh khiến bà rất cảm động.
“Điều đó đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả với Đảng, Nhà nước và nhân dân của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, do vậy, dù trăm mối lo toan gia đình nhưng chúng tôi cũng cố gắng về Hà Nội để được trực tiếp đến thắp nén nhang tưởng nhớ Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cầu mong cho linh hồn Chủ tịch nơi chín suối an giấc ngàn thu” – bà Tuyết nói.
Bà Tuyết cũng chia sẻ, dự kiến đến chiều 26-9, Đoàn cựu chiến binh Tuyên Quang mới về đến Hà Nội để vào viếng Chủ tịch nước, nhưng bà và mọi người sẽ ăn tạm gì đó và vẫn chờ ở đây, trước cổng Nhà tang lễ, để nếu có cơ hội sẽ được vào viếng vào buổi trưa. Trong trường hợp chưa được thì đoàn cũng nhất định chờ vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong ngày hôm nay…
Bà Hoàng Ngọc Hoa, khu dân cư 13, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, cho hay, khi nghe tin lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang bà đã dậy sớm và đến tận địa điểm tiến hành tang lễ để được đưa tiễn Chủ tịch lần cuối cùng.
“Tôi không thể kìm được xúc động khi nghe tin Chủ tịch nước qua đời. Cả cuộc đời chưa từng được gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhưng qua thông tin và tiểu sử của cũng như quá trình công tác thì ông là một người hết mình vì công việc cho đến giờ phút ra đi” – bà Hoa nghẹn ngào nói.
“Trước giờ phút lâm chung, Chủ tịch nước vẫn gửi thư chúc Tết Trung thu các cháu thiếu niên, nhi đồng. Vậy mà cũng sáng hôm đó chúng tôi nghe tin Chủ tịch mất…”, dùng khăn gạt nước mắt, cô Vũ Thị Thanh Hồng, cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội không thể kìm lòng được. Cô cho biết nguyện vọng là muốn đến tận Nhà tang lễ để gặp Chủ tịch nước lần cuối, thậm chí nếu được đưa Chủ tịch nước về tận quê nhà thì sẽ rất cảm động và biết ơn.
Bà Nguyễn Thị Huấn ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội không cầm được nước mắt |
Ông Vũ Hữu Hiệu, 61 tuổi, cán bộ Tư pháp nghỉ hưu, đến từ Kinh Môn (Hải Dương) đã xuất phát từ 2h sáng ngày 26-9 và mong muốn chờ đợi cho đến khi được vào thăm viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ông Hiệu cũng bày tỏ sự kính trọng và nể phục Chủ tịch Trần Đại Quang trong giai đoạn Chủ tịch còn giữ cương vị Bộ trưởng Công an với những quyết sách sắc bén và hiệu quả. “Trong suốt thời gian bác Quang giữ chức vụ Chủ tịch nước, Bác rất thân thiện với người dân, mến thương các cháu thiếu niên nhi đồng. Bác Quang đi đến đâu là nhân dân yêu quí, kính trọng đến đó. Những người dân bình thường như chúng tôi luôn nhớ về bác Quang”, ông Hiệu khẳng định.
Trung tá Trần Thanh Ngạn, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSCĐ số 4, Trung đoàn CSCĐ Công an TP. Hà Nội làm nhiệm vụ tại khu vực Nhà tang lễ tâm sự: Nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ là đảm bảo an ninh trật tự toàn bộ khu vực xung quanh lễ viếng tại số 5 Trần Thánh Tông. Cán bộ chiến sĩ đã được bố trí từ rất sớm, nhận thức rõ nhiệm vụ của mình đảm bảo an ninh tốt cho lễ viếng.
“Chúng tôi rất thương tiếc và đau buồn trước sự ra đi của đồng chí Đại tướng, Chủ tịch nước. Dù là ở cương vị Bộ trưởng Bộ Công an hay Chủ tịch nước thì đồng chí luôn là tấm gương sáng để chúng tôi học tập và rèn luyện” – Trung tá Trần Thanh Ngạn cho biết.