Thủ tướng cam kết Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp

Thứ Hai, 23/12/2019, 19:00
“Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách; tích cực rà soát rào cản pháp lý chính sách quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh, để DN ngày càng phát triển..” 


Đó là cam kết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) sáng nay.

Đây là cuộc đối thoại lần thứ 3 với doanh nghiệp kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức năm 2016. Chủ đề của Hội nghị lần này là “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị .

Hội nghị được kỳ vọng là cơ sở để có thêm nhiều giải pháp, chính sách mới thúc đẩy DN phát triển, để làm sao chúng ta đạt được mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020. Với quyết tâm đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào top đầu của ASEAN, Hội nghị tiếp tục khẳng định cam kết Chính phủ đồng hành cùng cộng đồng DN, lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế đang ngày càng lớn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện các Hiệp hội, lãnh đạo các DN Việt Nam đã thẳng thắn nêu một số khó khăn, thách thức của thị trường thế giới cũng như trong nước; những vướng mắc bất cập về cơ chế chính sách hiện nay DN đang phải đối mặt, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng để tìm cách tháo gỡ. 

Đơn cử, Chủ tịch Công ty Thaco Trường Hải Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công Đặng Văn Thành cũng như Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân đề nghị Chính phủ có cơ chế thúc đẩy phát triển nông nghiệp, công nghiệp trong nông nghiệp; kinh tế lâm nghiệp; vấn đề kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm... bởi đây là một xu hướng các nước đang vận dụng hiệu quà và Việt Nam nên tận dụng mô hình này. 

Các ý kiến đề nghị Chính phủ cho nghiên cứu chính thức về kinh tế ban đêm để xác định quy mô và tác động của nó. Việc phát triển tốt kinh tế ban đêm sẽ kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân và ngân sách cho nhà nước…

Thủ tướng cùng các đại biểu thăm quan các gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp.

Đại diện các Bộ, Ngành tham gia phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã  báo cáo về công tác Công an góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh phục vụ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Trong đó khẳng định, với mục tiêu: Xây dựng xã hội ổn định, trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì sự phát triển phồn thịnh của đất nước, trong năm 2019, Bộ Công an đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ công tác và đạt được những kết quả nổi bật, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế -xã hội trong đó có sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng cũng cho biết, để tiếp tục tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy DN phát triển, thời gian tới, Bộ Công an sẽ chỉ đạo lực lượng Công an trong toàn quốc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về ANTT, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho DN và người dân, nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ về “ Hỗ trợ và phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh trạnh quốc gia”. 

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp đảm bảo ANTT tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; phối hợp với các ngành, địa phương giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27/11/2019 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tổ chức đấu tranh quyết liệt với tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy... góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho sản xuất, kinh doanh của các DN. 

“Bộ Công an khẳng định không có khái niệm “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự, do vậy cũng không có chủ trương “hình sự hóa”; bảo đảm bình đẳng và quyền lợi của các DN chân chính, hoạt động của các DN theo đúng pháp luật. Đồng thời, cũng xử lý nghiêm những DN vi phạm pháp luật.”- Phát biểu này của đại diện Bộ Công an đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ cộng đồng các DN tham gia Hội nghị.

 Thủ tướng Chính phủ thăm một gian hàng trưng bày bên lề Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đóng góp vào những thành quả kinh tế - xã hội 2019 cũng như  xuyên suốt hơn 3 thập niên đổi mới của Việt Nam có vai trò quan trọng của cộng đồng DN và doanh nhân Việt Nam. Theo Thủ tướng, sự lớn mạnh của  DN không thể thiếu vai trò của Nhà nước, ngược lại, sự yếu kém của DN chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước. Với tinh thần đồng hành cùng DN, Chính phủ kiến tạo phát triển sẽ phải không ngừng tìm cách giảm mức độ rủi ro và chi phí cho DN, đặc biệt là rủi ro do thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.

Đánh giá cao quan điểm của các Bộ, ngành, đặc biệt từ ý kiến phát biểu của hệ thống ngành tư pháp: Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự hành chính để tạo điều kiện cho DN phát triển, song Thủ tướng nhấn mạnh đối với những vi phạm nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo kỷ cương, phép nước. 

Đề cập đến mục tiêu có 1 triệu DN vào năm tới, Thủ tướng cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển, hạn chế số DN giải thể. Bởi số lượng DN trên quy mô dân số của Việt Nam vẫn còn thấp. Cả nước mới có 7 DN nằm trong số 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ đô la Mỹ (USD). DN lớn nhất của Việt Nam mới có quy mô 17 tỷ USD. DN tư nhân lớn nhất Việt Nam có quy mô hơn 6 tỷ USD, chưa có DN Việt Nam nào nằm trong Top 50 DN hàng đầu thế giới.

Chỉ đạo đối với Bộ, ngành và chính quyền địa phương, Thủ tướng nhắc lại thông điệp: "Trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của DN phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. Không thể không biết DN rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực của mình". Mỗi Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng DN trong năm 2020, tầm nhìn 20 năm. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối đốc thúc, cập nhật tổng hợp, báo cáo Thủ tướng; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, cùng DN tìm kiếm thị trường. 

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.

Để giúp cộng đồng DN có sự phát triển bứt phá vượt bậc hơn nữa, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự "cởi trói" ủng hộ để DN bứt phá.  Đặc biệt là "cởi trói" cho DN tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh - quốc phòng Nhà nước cần nắm 100%. Cùng với đó cần tiếp tục thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào những khâu còn yếu và DN kêu ca.  

"Cấp chuyên viên còn nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại", Thủ tướng cho biết và yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải "chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm hù dọa DN mỗi khi DN có sai sót". Các cơ quan nhà nước phải loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực, do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian làm mất cơ hội đầu tư của DN.

Gửi thông điệp đến các DN, Thủ tướng kêu gọi các DN Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác. Khuyến khích sự chủ động hợp tác và tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, yêu dân tộc gắn bó với nhau khi khó khăn cùng nhau vươn ra biển lớn. Đặc biệt, cộng đồng DN cần phải chủ động đổi mới chính mình phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục nâng cao sức cạnh tranh xây dựng uy tín thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, cần lưu ý để không vướng vào các vụ kiện, tranh chấp thương mại.  

Thủ tướng yêu cầu các DN tuân thủ luật pháp, cần thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính bắt buộc; thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu uy tín quốc gia.  DN Việt Nam cần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, không đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tham nhũng. 

Các đại biểu tại Hội nghị .

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng Chính phủ sẽ đồng hành cùng DN, cam kết thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách; tích cực rà soát rào cản pháp lý chính sách quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh; xóa bỏ các rào cản, độc quyền nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân bao gồm các dịch vụ công cộng cũng như bảo hộ, bảo vệ các hàng rào thương mại kỹ thuật. 

Thủ tướng cam kết bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và DN. Chính phủ sẽ nghiên cứu để sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản cho người dân và DN; kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công gây ảnh hưởng đến quyền lợi của DN. 

Nhấn mạnh đến quyết tâm đồng hành với DN, Thủ tướng mong muốn doanh nhân Việt Nam phải có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt. Đó chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.

Nhấn mạnh lời nói phải đi đôi với hành động, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương khắc phục những yếu kém, bất cập mà các DN, các hiệp hội đã phản ánh tại hội nghị hôm nay. 

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã tham quan trưng bày các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, máy móc, thiết bị… của một số tập đoàn, DN Việt Nam.


Tâm Phạm
.
.
.