Thứ trưởng Bộ Y tế: Cách ly là biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với mức độ dịch hiện nay đang gia tăng từ Trung Quốc và diễn biến được đánh giá phức tạp thì biện pháp cách ly là rất hiệu quả nhằm phòng chống dịch bệnh.
- Nhiều Bệnh viện diễn tập xử lý, cách ly bệnh nhân nghi nhiễm virus corona
- Cách ly tại nhà cháu bé 2 tuổi từ Trung Quốc về Việt Nam ăn Tết
- Hà Nội cách ly, giám sát 950 người từ vùng dịch virus Corona trở về
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 5/2, phóng viên báo chí đặt câu hỏi, liệu cách ly tại chỗ có phải là phương án tốt nhất để chống dịch Corona? Đồng thời thông tin tại phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội có 27 người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam, trong đó 9 người cách ly.
“Tuy nhiên đó là thông tin nhận được khi hỏi chính quyền địa phương còn khi đến nơi đó không thấy thực hiện việc cách ly. Chính phủ có giải pháp gì đối với vấn đề này?”, phóng viên hỏi.
Toàn cảnh phiên họp. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với mức độ dịch hiện nay đang gia tăng từ Trung Quốc và diễn biến được đánh giá phức tạp thì biện pháp cách ly là rất hiệu quả nhằm phòng chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, hệ thống cách ly hiện nay gồm 3 vòng. Cụ thể, vòng 1 là cách ly những bệnh nhân, người nghi nhiễm lập tức bị cách ly tại các cơ sở y tế. Vòng 2 là mọi người dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đi về từ Hồ Bắc, đi qua Hồ Bắc được cách ly tập trung ở các cơ sở cộng đồng. Vòng 3, đối với người đi từ 31 vùng tại Trung Quốc về lập tức được cách ly tại gia đình.
Ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Chính phủ đã có yêu cầu về thực hiện nghiêm việc các ly từ 2 ngày nay và người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm, ngành Y tế tiến hành giám sát. “Chưa có lần nào ta làm mạnh như lần này với rất nhiều biện pháp, chỉ đạo từ Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó thủ tướng, Văn phòng Chính phủ”, ông nhận định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. |
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhắc lại, năm 2003, khi dịch SARS diễn ra, chúng ta đã có cách ly và đạt được hiệu quả. Với dịch này, chúng ta đã tiến hành cách ly từ đầu nên hy vọng sẽ ngăn chặn, phòng chống được dịch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện ở Vũ Hán có 24 công dân Việt Nam, trong đó có 21 công dân và 3 người nhà. Và có 19 công dân muốn trở về Việt Nam. Thủ tướng đã chỉ đạo chặt chẽ và đã có phương án đón công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước.
Theo đó, Chính phủ giao cơ quan chức năng tổ chức đón công dân Việt Nam tại vùng dịch về với điều kiện cách ly tập trung 14 ngày. Việc cách ly đã giao Bộ Quốc phòng đảm bảo các điều kiện ăn ở, ngủ, nghỉ, truyền hình cho bà con xem thời sự. Đặc biệt, ở phía Bắc sẽ bố trí sân bay Vân Đồn, ở miền Nam và miền Trung mỗi nơi sẽ chọn 1 sân bay để đưa công dân về nước.
Theo Người phát ngôn của Chính phủ, cách ly tập trung là giải pháp tốt nhất, tích cực nhất tránh lây lan dịch Corona, và Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị hết và sẵn sàng các phương án. Với công dân và lao động của Việt Nam sang Trung Quốc bạn làm việc, ông cho biết nếu có nguyện vọng về thì giao cho 7 tỉnh biên giới phối hợp Bộ Y tế, Công an chuẩn bị các phương án.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long. |
Phóng viên cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo chủ động phát triển kinh tế để ứng phó dịch, giảm thiểu rủi ro. Trong khi đó, nhiều nước tung gói hỗ trợ kinh tế cho những nhà sản xuất chịu rủi ro bởi dịch bệnh như Trung Quốc, Thái Lan. Việt Nam có tính đến gói hỗ trợ khẩn cấp này không?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, từ năm 2016 đến nay Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&ĐT phải xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ công tác điều hành các chính sách.
“Kịch bản này là một bản dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP theo quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm. Trong điều kiện có tác động tiêu cực từ các yếu tố, tốc độ tăng trưởng có thể thấp hơn. Tuỳ theo điều kiện mà Bộ có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp bám sát hơn mục tiêu tăng trưởng đề ra”, ông nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, trong phiên họp sáng nay, Bộ KH&ĐT đã xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch cúm tới tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở số liệu tháng 1 để tính toán dự kiến mức độ tác động. Theo số liệu này cho thấy, mức độ ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương. |
“Trong trường hợp dịch có thể kiểm soát trong quý I thì tốc độ tăng trưởng hàng năm chỉ giảm còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và khống chế trong Quý II thì chỉ còn 6,09%”, ông nhận định và cho rằng đây là phương án để theo dõi, Bộ KH&ĐT gắn với tình hình chống dịch hiện nay sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát kịch bản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về các gói hỗ trợ tài chính, ông Phương cho rằng đây cũng là một giải pháp để xử lý. Trong bối cảnh hiện nay cần tập trung ưu tiên các giải pháp phòng chống dịch, dành các nguồn lực kiểm soát dịch. Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh thì cần khắc phục thiệt hại và phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
“Tuy nhiên các gói hỗ trợ thì tuỳ thuộc nguồn lực có bao nhiêu và hỗ trợ đối tượng nào, chúng ta cần phải tính toán. Trước mắt, nông dân trồng thanh long, dưa hấu đang bị tác động trực tiếp. Cũng giống như hỗ trợ về thịt lợn thì đối tượng nào, mức bao nhiêu cần tính toán cụ thể...”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo ông còn một số giải pháp khác, Thủ tướng chi đạo các bộ ngành khẩn trương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành thủ tục đưa các dự án đi vào hoạt động, đóng góp cho tăng trưởng.