Tăng tuổi nghỉ hưu: Nước đến chân mới nhảy nên tạo ra “cú sốc”

Thứ Tư, 29/05/2019, 17:34
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã cho rằng, nước ta đã đến thời điểm “nước đến chân mới nhảy”, lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội thì mới tăng tuổi nghỉ hưu. Do không có tầm nhìn chiến lược nên tạo ra “cú sốc”

Chiều 29-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm hay bổ sung 1 ngày nghỉ trong năm thu hút các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận sôi nổi với nhiều quan điểm trái chiều.

Hai luồng ý kiến về tăng tuổi nghỉ hưu

ĐBQH Hoàng Văn Trà (Phú Yên) cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu mà Việt Nam không thể khác được. Lý do là tuổi thọ bình quân và tuổi thọ sức khoẻ đều cao lên. Nhìn ra thế giới thì các nước khác đều tăng, nhiều nước nam nữ tăng bằng nhau, do đó ta cần tính thêm hoặc thuyết minh thêm cho rõ trong luật.

“Tài liệu tham khảo có nói một ý là không có sự xung đột giữa việc làm của người kéo dài tuổi và lớp trẻ, vì thị trường lao động khác nhau, người này không làm mất việc của người kia. Do đó việc tăng tuổi là hợp lý. Nhưng lộ trình tăng tuổi cần có sự phân tích thuyết phục hơn. Tờ trình nên viết theo hướng, theo phương án này thì mặt được là gì, mặt chưa được là gì để đại biểu hiểu rõ ý và thảo luận tập trung” – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu quan điểm.

ĐBQH Đinh Văn Nhã

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đồng ý với phương án 1 tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật Chính phủ trình, tức 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ và tăng theo lộ trình. Tuy nhiên ông đề nghị nếu theo lộ trình này phải đảm bảo đồng bộ giữa tuổi nghỉ hưu của lực lượng vũ trang với các ngành nghề khác. “Giám đốc Công an tỉnh như tôi là 60, nhưng lãnh đạo cấp huyện chỉ 58, cán bộ chỉ 55 thôi. Cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất”, ông nói.

Trong khi đó, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) lại băn khoăn về quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu, khi mà những nước phát triển như Singapore thì về hưu sớm, chỉ khoảng 40-50 tuổi đã nghỉ ra ngoài kinh doanh nhằm trẻ hoá đội ngũ và phù hợp hơn với sự phát triển của nền kinh tế và khoa học công nghệ.

“Việc tăng tuổi nghỉ hưu tính thuyết phục chưa có, hầu như chỉ là vì do lo sợ vỡ quỹ bảo hiểm. Mình mới thoát nước nghèo, kinh tế bước vào trung bình. Do đó lấy tiêu chí của các nước khác áp vào Việt Nam là không hợp lý” – ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) phản biện.

Đại biểu chỉ ra một bất cập khác là trong tăng tuổi nghỉ hưu lại thêm 2 quy định: Quyền được nghỉ sớm trước tuổi và quyền nghỉ sau tuổi. “Như vậy thì gần như tạo ra cơ chế “xin – cho”, ràng buộc đủ chuyện từ bảo hiểm đóng bao nhiêu năm thì được nghỉ. Luật có nói một số trường hợp đặc biệt khác là trường hợp nào? Chính khách hay Uỷ viên Bộ Chính trị thì cũng phải nói rõ, tránh cơ chế “xin – cho”, đại biểu Vân cho hay.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu

“Qua thảo luận tôi thấy đa số đại người chưa mặn mà với câu chuyện kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tôi thuộc nhóm đồng tình. Bây giờ kéo dài tuổi nghỉ hưu đã là hơi muộn so với nhiều nước. Đây không phải là câu chuyện của riêng nước giàu, mà là vấn đề chiến lược của một quốc gia”, ĐBQH Đinh Văn Nhã (Phú Yên) bày tỏ.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, nước ta đã đến thời điểm “nước đến chân mới nhảy”, lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội thì mới tăng tuổi nghỉ hưu. Do không có tầm nhìn chiến lược nên tạo ra “cú sốc”. Vì ở ta có nghịch lý là thời gian đóng bảo hiểm ngắn, số tiền đóng thấp nhưng thời gian hưởng dài và mức hưởng cao, dẫn đến bảo hiểm xã hội không thể cân đối được…

Một số nước giờ làm quá ngặt nghèo khiến phụ nữ không muốn sinh con

Về tăng giờ làm việc, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phân tích, Bộ luật Lao động năm 2002 đã tăng số giờ làm việc từ 200 giờ lên 300 giờ. Qua 17 năm lại tăng lên 400 giờ thì bất hợp lý. Vì chúng ta đã kéo dài tuổi nghỉ hưu rồi, nay tăng từ 8h lên 12h/ngày nghĩa là bắt người lao động làm thêm gấp rưỡi. Và nếu với số giờ này chúng ta cao hơn cả Nhật Bản, Trung Quốc.

“Trong khi hiện các nước này đang phản ứng vì giờ làm quá ngặt nghèo khiến phụ nữ không muốn sinh con, áp lực sinh ra tự tử. Vậy có nên tăng không?”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đề nghị chỉ tăng 350-360 giờ. Ông lo ngại nếu vẫn giữ mức tăng như thế này thì công nhân trong các khu công nghiệp chắc chắn sẽ làm quá sức, chế độ nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động làm việc là không có.

ĐBQH Hoàng Văn Trà

Đại biểu Hoàng Văn Trà đồng ý với việc tăng khung giờ làm thêm vì phù hợp tình hình hiện nay, nhưng theo ông phải có ràng buộc là sự đồng ý của người lao động. Ràng buộc thứ hai để tránh người sử dụng lao động lợi dụng, lạm dụng là tiền lương tăng thêm phải cao, có thể cao hơn cả đề xuất trong luật. “Vì ví dụ cuối năm rồi đơn hàng nhiều, hợp đồng đến giờ xử lý thì cả cơ quan chung tay nhau, người lao động sẵn sàng làm thêm giờ…, tuy nhiên phải trả tiền lương cao mới đảm bảo công bằng”, ông dẫn chứng.

Theo ĐBQH Đinh Văn Nhã, chuyện làm thêm giờ ở thời điểm này không nên đặt ra đối với khu vực công, vì từ Trung ương đến địa phương các đơn vị đều thực hiện khoán kinh phí theo Nghị định 130. Các đơn vị sự nghiệp công lập đều giao tự chủ, kinh phí thực hiện nhiệm vụ gần như khoán.

“Chẳng đơn vị nào quản lý được việc khai đúng, khai sai làm thêm giờ cả. Kê lên từ thủ trưởng, quân lính đến ông bảo vệ, lái xe đều làm thêm giờ như nhau thì càng lãng phí ngân sách nhà nước”, đại biểu lo ngại.

27-7 mà nghỉ thì thân nhân liệt sỹ rất chạnh lòng

Đối với đề xuất nghỉ thêm một ngày lễ 27-7 như dự thảo luật Chính phủ trình, ĐBQH Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) cho biết, khi tiếp xúc cử tri có nhiều người phản đối, trong đó có những người trong cuộc, thân nhân của thương binh, liệt sỹ.

“Người ta nói những câu mà tôi thấy rất chạnh lòng, chẳng hạn như ngày này người ta tang thương mất mát, ngày mà nhiều người đã hy sinh xương máu cho đất nước thì lại lấy ngày đó làm ngày nghỉ. Bản thân tôi cũng không đồng ý”, ông tỏ rõ quan điểm. Đại biểu cho rằng, nếu nhằm mục đích kích cầu du lịch thì chúng ta có thể chọn một ngày khác hợp lý hơn.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu đánh giá, chọn ngày 27-7 về mặt nhân đạo thì hay, ai cũng ủng hộ nhưng xét về mặt thực tiễn thì không phù hợp. “Nếu ngày đó nghỉ thì cấp uỷ chính quyền lấy đâu ra cán bộ đi dâng hương, dâng hoa cho các anh hùng liệt sỹ và thăm hỏi các gia đình chính sách? Chúng ta nghỉ thì ngày kỷ niệm này vắng bóng chính quyền, các gia đình thương binh, liệt sỹ sẽ rất chạnh lòng. Các mẹ Việt Nam anh hùng lại trông chờ chúng ta mà không thấy ai đến”, đại biểu tỉnh Nghệ An phân tích.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, ngày 27-7 cả nước hướng vào tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công. “Bây giờ mình cho nghỉ người ta đi chơi, đi du lịch hết thì sao. Có những thứ mình muốn đổi mới nhưng có vẻ không phù hợp”, ông nói.

Quỳnh Vinh
.
.
.