Tăng tuổi nghỉ hưu không phải là lấy mất cơ hội làm việc của lao động trẻ

Chủ Nhật, 19/08/2018, 08:08
Dự kiến tháng 9, Bộ LĐ - TBXH sẽ trình Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có việc nâng tuổi nghỉ hưu đang được xã hội rất quan tâm. Câu chuyện nâng tuổi nghỉ hưu không mới, nhưng thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.


PV Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” đã có trao đổi với PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, chuyên gia về lao động xung quanh vấn đề này. 

PV: Thưa bà, câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu vẫn đang nhận được rất nhiều ý kiến. Nhiều người cho rằng có những nghề, lao động khó theo nghề cho đến lúc nghỉ hưu vì tuổi mất sức sớm ví dụ như dệt may, thủy sản, thợ mỏ… Theo bà giải pháp cho những lao động này như thế nào hay họ phải nghỉ hưu trước tuổi?

PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương: Chúng ta chia sẻ những khó khăn, vất vả của những lao động đang làm những công việc nặng nhọc. Tuy nhiên ở đây chúng ta phải xác định rõ tuổi nghỉ hưu của một nghề và tuổi nghỉ hưu của một đời người khác nhau. 

Có những công việc tuổi nghỉ hưu của một nghề phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, kỹ năng đáp ứng của nghề đó. Trong cả cuộc đời con người thì không phải chỉ làm một nghề và bắt buộc thích nghi với nghề đó. Ví dụ trong những ngành lao động dùng nhiều sức khỏe như dệt may chẳng hạn, đến một tuổi nào đó thì người lao động không thể đáp ứng được và họ cần phải có sự rẽ sang một nghề khác. 

PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương.

Câu chuyện của chúng ta ở đây là nếu họ dừng lại và về hưu sớm hay là họ tiếp tục ở lại thị trường lao động với một sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để chuyển sang một công việc khác. 

Như một diễn viên múa đến 30 tuổi, hay cầu thủ đá bóng đá đến 30 tuổi chẳng nhẽ họ nghỉ? Đó là tuổi nghỉ hưu của một nghề, còn tuổi về hưu của đời người tổng hòa các yếu tố xã hội là đến 55- 60. Đưa ra mức như vậy để họ biết còn đào tạo và để chuyển đổi nghề nghiệp. 

Vì thị trường lao động chuyển đổi nghề nghiệp liên tục và linh hoạt. Ví dụ trong lĩnh vực dịch vụ cần người trẻ thì người lớn tuổi họ không đứng ở mặt tiền nhưng đứng ở phía sau.

PV: Theo phân tích của bà thì rõ ràng chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để tiếp tục làm việc sẽ là tối ưu bởi tới đây nghỉ hưu trước tuổi sẽ không còn được khuyến khích nữa. Càng nghỉ hưu sớm, người lao động càng thiệt

PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương: Chúng ta đều biết rằng, người lao động nghỉ hưu sớm thì sẽ bị thiệt thòi rất nhiều vì chính sách BHXH. Người nghỉ hưu sớm có thể có thời gian nghỉ ngơi tốt hơn nhưng vấn đề lớn nhất là giảm thu nhập, không đủ khả năng nuôi sống bởi như chúng ta đã biết có những mức lương hưu rất thấp. 

Khi đi làm thu nhập bao gồm cả tiền lương cơ bản và các loại phụ cấp. Nhưng khi về hưu thì kể cả tham gia hưu trí đầy đủ cũng chỉ được tối đa 75% thu nhập cơ bản. Khi về hưu thì thu nhập thực chỉ bằng được 1 nửa khi người ta đang đi làm. 

Câu chuyện ở đây là không làm việc để được hưởng một mức hưu trí thấp hay là tiếp tục làm một công việc khác phù hợp hơn. Việc phù hợp hơn ở đây không chỉ là vấn đề sức khỏe mà người ta tận dụng được các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã được tích lũy trong mấy chục năm qua.

PV: Ví dụ như với công nhân dệt may, theo bà họ có thể chuyển dịch như thế nào cho phù hợp?

PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương: Có thể chuyển dịch trong nội bộ một ngành. Chúng ta biết, trong một ngành có rất nhiều công việc cho đầu vào, đầu ra từ sản xuất nguyên liệu, sản suất sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm. Thì từ những kỹ năng, kiến thức người ta có thể chuyển sang khu vực dịch vụ như bán hàng. 

Phụ nữ thì cũng rất phù hợp với khu vực dịch vụ, kinh tế hộ gia đình nếu họ có vốn, được đào tạo lại, đặc biệt họ có được những chính sách đỡ của doanh nghiệp, của nhà nước thì họ có thể chuyển đổi và tận dụng tất cả những kiến thức, tuổi đời của họ để làm các công việc khác, chứ không nhất thiết phải về hưu sớm để hưởng những mức lương thấp.

PV: Như thế có nghĩa người lao động khi chuyển đổi công việc vẫn tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ tuổi nhận?

PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương: Hệ thống BHXH nước nào thì cũng được thiết kế để người lao động tham gia trong toàn bộ quá trình lao động của mình. Khi họ về hưu thì họ sẽ được tính toán phần họ đóng, như trong trường hợp của chúng ta thì phần đóng thừa sẽ được trả lại. Còn chuyện chuyển đổi từ nghề này sang nghề khác thì đó là câu chuyện của thị trường lao động. Những người lao động vừa có nghĩa vụ, vừa có quyền lợi để tiếp tục tham gia BHXH.

PV: Hiện nay, không chỉ có những nghề lao động chân tay mà rất nhiều nghề làm việc trí óc cũng có tuổi nghề không cao. Ví dụ như lập trình viên cũng chỉ khoảng 35 tuổi là không còn thích ứng bởi cường độ cao và không thể làm việc quá nhiều năm. Phải chăng đây là vấn đề của xã hội?

PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương: Chúng ta có thể hiểu đây là sự chuyển đổi nghề nghiệp trong thị trường lao động. Hiện nay, ở các nước phát triển, trong một đời người có thể làm 5, 7 công việc chứ không nhất thiết là một nghề. Cái việc làm nghề nào, thì nó nằm ở tiêu chí phù hợp tối đa với khả năng, kiến thức, trình độ của người đó. Như vậy, bài toán trong thị trường lao động là bài toán khớp nối các nghề nghiệp với nhau. Làm thế nào để có sự hỗ trợ tài chính, dự báo thị trường lao động để người ta có thể dễ dàng chuyển đổi sang một nghề khác.

PV: Nói như thế thì rõ ràng người lao động phải có sự chuẩn bị trong suốt quá trình làm việc, kể cả từ khi người ta còn trẻ. Bà có cho rằng việc định hướng cho người lao động cũng là nhiệm vụ của người quản lý lao động?

PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương: Rõ ràng đây không phải chỉ trách nhiệm của người lao động, không phải trách nhiệm của doanh nghiệp mà có cả trách nhiệm của Nhà nước đóng vai trò điều phối thị trường lao động. 

Trước đây, mỗi lao động đều tôn trọng và trung thành với một nghề, khả năng chuyển đổi nghề cũng rất khó khăn. Nhưng ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường, đặc biệt là kinh tế mở với kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến thì việc chuyển đổi nghề nghiệp là chuyện hết sức bình thường. 

Do đó, với mỗi lao động hiện nay khi tham gia vào thị trường lao động, ngoài việc trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết thì cũng phải trang bị tư duy là khi năng suất lao động không đáp ứng được nghề đang làm thì phải chuyển.

PV: Như thế thì các nhà quản lý lao động phải chuẩn bị các chuỗi công việc để khi người lao động tham gia vào thị trường lao động đều có thể dễ dàng chuyển đổi?

PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương: Những băn khoăn hiện nay của tất cả những người khi nghe việc tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay một phần có trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Bởi người ta chưa từng nghe đến những thông tin chuyển đổi như thế. Thực sự là chúng ta cũng chưa có các kế hoạch chuyển đổi như thế cho nên người lao động đa số tỏ ra sợ hãi. Họ chỉ nghĩ là với ngành nghề này hiện nay tôi không còn phù hợp và tôi cũng không còn cách lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn phải về hưu. Tuy vậy, nếu chọn về hưu thì là sự lãng phí rất lớn. Đối với người lao động chẳng hạn, họ có thể mất khả năng ở ngành nghề này nhưng họ còn rất nhiều khả năng ở các ngành nghề khác.

PV: Theo quan điểm của bà thì người lao động sẽ không phải lo lắng về việc tăng tuổi nghỉ hưu, bởi khi không làm ở nghề này được nữa thì sẽ chuyển sang nghề khác. Tuy nhiên, một vấn đề tôi thắc mắc là ai sẽ là người tạo ra chuỗi công việc có liên quan đế người lao động có thể chuyển đổi đó: nhà nước, doanh nghiệp hay chính người lao động phải tự tìm ra lối thoát?

PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương: Trong ngắn hạn thì trong luật của chúng ta đã quy định có quỹ dự phòng để dùng trong những trường hợp thay đổi công nghệ, năng suất của người lao động thấp nhưng để họ không bị mất việc làm. Do đó trước tiên trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp. Sau đó đến trách nhiệm của người lao động. 

Tuy nhiên, người lao động cũng có nhiều khó khăn, thiếu thông tin, do đó Nhà nước với tư cách là người hỗ trợ lao động sẽ đứng ra tổ chức các hoạt động đó như các hoạt động: đào tạo, đào tạo lại, cung cấp thông tin. Người lao động phải hiểu rõ, tuổi về hưu của một đời người và tuổi về hưu của một nghề khác nhau. Cái thứ hai là khi về hưu thì vấn đề thu nhập thế nào, đời sống thế nào?

Theo các phương án đưa ra, mỗi năm chỉ tăng lên 3-4 tháng. Do cách chúng ta tuyên truyền chưa sâu nên người lao động nghĩ rằng họ đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được nghỉ mà phải đi làm. Không phải như vậy. Ngay trong Bộ luật Lao động tại Điều 187 đã quy định ai làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại thì có thể xin nghỉ sớm, có tuổi về hưu ngắn hơn. 

Như vậy họ có quyền lựa chọn, ai không muốn đi làm thì xin nghỉ hưu. Phải thấy rằng đi làm là một quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Đi làm có thu nhập và được hưởng 100%, còn khi về hưu chỉ được hưởng 75%. Chúng ta cần khảo sát đời sống của những người về hưu xem họ sướng hay người đi làm sướng hơn.

PV: Có nhiều ý kiến nói rằng hiện tỷ lệ lao động trẻ, trong đó có sinh viên ra trường nhưng không có việc làm. Do đó lo ngại giờ nâng tuổi nghỉ hưu lên sẽ khiến tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng hơn, thưa bà?

PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương: Đừng nghĩ rằng một người cần về hưu để nhường chỗ cho lớp trẻ. Đó là không đúng về mặt bản chất vì thị trường lao động có tính phân mảng. Vì một người có năng lực họ có thể tạo ra được nhiều việc làm cho người khác. Họ về hưu chỉ tạo ra được 1 việc làm nhưng họ ở lại có khi tạo ra được việc làm cho nhiều người. Một người lo bằng cả kho người làm là vậy. Nhất là người đứng đầu còn có trình độ khác xa so với người trẻ. 

Thời gian qua người trẻ không có việc làm là do thị trường lao động. Ví dụ như lao động trẻ thiếu kinh nghiệm, hay đào tạo chưa được phù hợp. Đừng nhìn cơ học, khi có 1 người về hưu thì có 1 người khác được nhận vào và có việc làm. Vấn đề không phải là như vậy. Bởi việc làm phụ thuộc nhiều vào thị trường lao động.

Xin cảm ơn bà!

PV
.
.
.