Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm

Thứ Tư, 29/05/2019, 11:44

Sáng 29-5, Quốc hội nghe Tờ trình về Bộ luật Lao động (sửa đổi).



Tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm

Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày nêu 2 loại ý kiến mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa (Điều 108).

Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị không tăng giờ làm thêm vì không phù hợp với xu hướng tiến bộ “tăng lương, giảm giờ làm” và các quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, có thể dẫn đến các hệ lụy xã hội và bất lợi cho người lao động trong bối cảnh các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang chững lại, hệ số bất bình đẳng thu nhập (GINI) có xu hướng tăng.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Nhóm ý kiến thứ hai, tán thành với đề xuất của Chính phủ mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm. Theo đó, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động.

Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: Điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). 

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật cho rằng, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng XHCN trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.

Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh

Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm; đồng thời, đánh giá tác động của việc bỏ quy định về giới hạn giờ làm thêm tối đa trong tháng, tác động của việc mở rộng thời gian làm thêm 100 giờ đối với khu vực công và nguồn lực ngân sách để chi trả.

Cần phân tích sự phù hợp giữa tuổi nghỉ hưu với tuổi thọ trung bình

Về tuổi nghỉ hưu (Điều 170), Chính phủ đề xuất tăng lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ nhưng chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong khi khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác.

Để có đủ thông tin trình Quốc hội xem xét, thảo luận, Uỷ ban Các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác.

Đồng thời rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.

Người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể

Về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, Chính phủ đánh giá đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, dự thảo Bộ luật đã thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của các Nghị quyết Trung ương, bảo đảm phù hợp với Hiến Pháp 2013, và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo đó, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đại diện của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về bản chất là tổ chức xã hội đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở.

Toàn cảnh hội trường

Dự thảo Bộ luật bổ sung 3 điều quy định về ba nội dung lớn: Quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; điều kiện đối với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức; tôn chỉ, mục đích và điều lệ của tổ chức. Những vấn đề cụ thể cần hướng dẫn của 3 nội dung trên và một số nội dung cụ thể khác như: trình tự thủ tục đăng ký, cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; thẩm quyền cấp, thu hồi đăng ký hoạt động; việc chia, tách, sáp nhập, giải thể tổ chức, quyền liên kết của các tổ chức với nhau… sẽ giao Chính phủ quy định.

Ủy ban Các vấn đề xã hội tán thành với việc quy định nguyên tắc một số vấn đề lớn trong dự thảo Bộ luật về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở và giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo đáp ứng các cam kết quốc tế, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, để tạo sự đồng bộ với các quy định về đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể trong bối cảnh có thêm tổ chức đại diện người lao động, đề nghị Chính phủ thuyết minh làm rõ cơ sở lập luận của việc xác định “tổ chức đại diện nhất” có quyền yêu cầu thương lượng tập thể theo nguyên tắc “50% số người + 1 người”, việc thực hiện quyền yêu cầu thương lượng tập thể trong trường hợp không có “tổ chức đại diện nhất” trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, đề xuất phương án phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội nước ta.

Lấy ý kiến nhân dân về việc bổ sung thêm 1 ngày nghỉ

Về bổ sung một ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ, hiện có các loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất ủng hộ việc bổ sung thêm một ngày nghỉ trong khoảng thời gian từ 2-5 đến 1-9 và đề nghị lấy Ngày Gia đình Việt Nam (Ngày 28-6 dương lịch) làm ngày nghỉ lễ.

Loại ý kiến thứ hai tán thành đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ với các lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Loại ý kiến thứ ba, đề nghị cân nhắc việc bổ sung một ngày nghỉ lễ vì chưa có đánh giá tác động chính sách.

“Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này”, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh nói.


Quỳnh Vinh
.
.
.