Tăng cường đối tác công tư để phát triển kinh doanh và đầu tư

Thứ Ba, 25/10/2016, 15:53
“Thông qua Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Mekong (WEF-Mekong), Việt Nam mong muốn các nước, các doanh nghiệp Mekong đối thoại với các doanh nghiệp WEF về các ý tưởng, biện pháp tăng cường đối tác công –tư, phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư mang lại lợi ích cho các bên”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại Hội nghị WEF-Mekong lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội ngày 25-10. 

Với sự tham dự của 100 tập đoàn, doanh nghiệp thành viên WEF và hơn 60 doanh nghiệp lớn của các nước tiểu vùng Mekong, Hội nghị WEF-Mekong lần thứ 1 là sáng kiến của Việt Nam, mang đến những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác mới, góp phần thu hút luồng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mekong.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị WEF-Mekong lần thứ 1.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khu vực Mekong là một trung tâm phát triển năng động ở châu Á và nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đây cũng là điểm kết nối quan trọng ở Châu Á và là một thị trường giàu tiềm năng với dân số 240 triệu người và quy mô GDP trên 660 tỷ USD.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực Mekong có 4/25 nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới năm 2015, trong đó Campuchia, Lào, Myanmar tăng trưởng trên 7%, Việt Nam tăng trưởng 6,7% và Thái Lan đang phục hồi tích cực.

Vì vậy, để thực hiện hóa mục tiêu trở thành một khu vực hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước Mekong cùng các đối tác trong và ngoài khu vực thực hiện 4 biện pháp.

Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế Bắc-Nam, Hành lang Kinh tế phía Nam…

Thứ 2, Việt Nam cùng các nước Mekong tăng cường hợp tác du lịch hướng tới mục tiêu “5 quốc gia - 1 điểm đến” trên cơ sở phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của khu vực.

Thứ 3 là các nước Mekong không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cuối cùng là khắc phục sự phân phối không đồng đều các thành quả của tăng trưởng và hội nhập,thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 là những nội dung ưu tiên trong các chương trình hợp tác Mekong và chiến lược phát triển của từng nước, mọi người dân có cơ hội thụ hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.

Toàn cảnh Hội nghị WEF-Mekong lần thứ 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đang đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế; phát triển chủ yếu dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nhấn mạnh đến nỗ lực của các nước Mekong trong việc đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nhất là các nhà tài trợ đang có chương trình, dự án hợp tác tại khu vực như ADB, WB, các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Ấn Độ,… nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó cần hợp tác thực chất về quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước Mekong.

Việc tăng cường hơn nữa tiếng nói của các nước trong tiểu vùng Mekong, thu hút sự quan tâm của các đối tác phát triển nhằm huy động nguồn lực phát triển cho tiểu vùng; tăng cường sự tham gia của các đối tác phát triển và khu vực tư nhân trong các hoạt động của hai cơ chế ACMECS và CLMV; quảng bá tiềm năng của khu vực Mekong với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế… cũng là những nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị. 

Huyền Chi
.
.
.