Quyết tâm để không có 1.000 ca nhiễm COVID-19
- Vận động các cửa hàng tạm dừng kinh doanh để ngừa dịch COVID-19
- Ổn định đời sống của người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19
- Nhân viên siêu thi Điện máy Xanh và 2 bệnh nhân người Anh nhiễm COVID-19 xuất viện
- TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch
Các điểm được tạm gọi là ổ dịch đã và đang kiểm soát tốt
Phó Thủ tướng cho biết theo thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca nhiễm COVID-19 từ 100 lên 1.000 là 7 ngày (riêng Nhật Bản là 28 ngày), nên tính chung là khoảng trên 9 ngày.
Đối với Việt Nam nếu suy luận theo logic đó, ngày 22/3 Việt Nam đã ghi nhận 100 ca nhiễm mới (không tính 16 ca trong giai đoạn 1) thì hết ngày 31/3 chúng ta có khả năng có 1.000 ca nhiễm. Nhưng Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không có 1.000 ca nhiễm vào thời điểm ngày 31/3 bởi vì chúng ta có các giải pháp chống dịch và đến giờ phút này các giải pháp đó là rất hiệu quả.
Tính từ ngày 7/3, khi chúng ta ghi nhận ca nhiễm số 17 thì đến nay chúng ta có 137 ca nhiễm mới, trong đó 86 ca đã cách ly ngay từ khi đến Việt Nam, còn 51 ca đã vào cộng đồng.
Trong đó, chỉ riêng chuyến bay VN 0054 vào Việt Nam từ 2/3 đã có 20 ca nhiễm, trường hợp bệnh nhân số 34 (F0) tại Bình Thuận lây cho 11 người nhiễm, gồm cả 8 ca F1, 3 ca F2 nhưng đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nào lây đến F2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 27/3 (Ảnh VGP/Đình Nam) |
Nếu tính từ cột mốc 100 ca vào ngày 22/3, đến hôm nay đạt 137 ca mắc COVID-19, thì chỉ có 19 người bị phát hiện ở trong cộng đồng, chưa có trường hợp nào F2 lây nhiễm. Kết quả này là nhờ sự kiểm soát rất tốt của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Như vậy, để tăng từ mốc 100 lên 1.000 còn tùy thuộc vào cách thức mỗi nước ứng phó với tình hình dịch bệnh ra sao.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đã và đang kiểm soát tốt các điểm được tạm gọi là ổ dịch, thậm chí tiếp cận những điểm bị coi là ổ dịch tiềm năng để khoanh vùng, dập dịch ngay. Tôi tin nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và khuyến cáo của cơ quan y tế thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cách ly 573 người ở Bệnh viện Bạch Mai
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo về tình hình một số ổ dịch hiện nay. Ông Long cho biết: Chúng ta đã khống chế tốt ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Trúc Bạch (Hà Nội), các ổ dịch khác đang được kiểm soát chặt.
Nói về ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, hiện đã thực hiện cách ly toàn diện 3 đơn vị là Viện Tim mạch, Khoa thần kinh, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Nhân viên y tế các khoa này được cách ly ngay tại khoa và trong khu vực cách ly trong bệnh viện. Bệnh nhân các khoa này cũng được cách ly và tiếp tục điều trị tại khoa (riêng 90 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương)…
Đồng thời, Bộ Y tế đã tổ chức cách ly 573 trường hợp bao gồm nhân viên, bệnh nhân, học viên, người chăm sóc có tiếp xúc gần với trường hợp xét nghiệm dương tính. Hiện đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho tất cả nhân viên bệnh viện (gần 4.000 người) và khoảng 1.000 bệnh nhân đang điều trị.
Hiện nay, Bệnh viện cũng tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu, dừng hoạt động của nhà tang lễ và nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân, đồng thời yêu cầu toàn bộ nhân viên bệnh viện dừng hoạt động khám chữa bệnh ngoài giờ tại các phòng khám tư. Tại các khoa quá tải và điều trị người bệnh nặng như cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo, ung bướu đã giãn khoảng cách cách gường bệnh, giảm tải người bệnh tối đa, đảm bảo âm tính trước khi cho xuất viện và báo y tế địa phương tiếp tục theo dõi sức khoẻ.
Riêng ổ dịch tại quán bar Buddha (quận 1, TP Hồ Chí Minh) được nhận định là phức tạp, có thể có nhiều nguồn lây bệnh, hiện TP Hồ Chí Minh đã cách ly tập trung 153 người có tiếp xúc trực tiếp với những ca bệnh được ghi nhận.
Còn các ổ dịch từ bệnh nhân 100 (tại quận 8, TP Hồ Chí Minh), bệnh nhân 34 (Phan Thiết, Bình Thuận) đang được các lực lượng khoanh vùng, cách ly và kiểm tra y tế với hàng trăm hộ dân, tiếp tục rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm.
Công an quản lý khu cách ly tập trung dân sự
Nhận định trong giai đoạn này, việc cách ly tập trung dân sự tại địa phương sẽ dần trở nên phổ biến, Ban Chỉ đạo thảo luận và thống nhất giao cho lực lượng Công an điều hành các khu cách ly dân sự; chỉ đạo là Chủ tịch UBND địa phương; cơ quan y tế chịu trách nhiệm bảo đảm về y tế; bảo đảm hậu cần cũng giao lực lượng Công an chủ trì, cơ chế ngân sách cũng thực hiện như quân đội.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành quy chế mẫu quản lý các khu cách ly tập trung dân sự, trong xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, lực lượng y tế, Công an.
Ban Chỉ đạo cũng thống nhất giao chính quyền các địa phương ưu tiên tổ chức khu cách ly dân sự riêng cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ khi cần thiết (y tế, Công an, dân phòng,…). Bảo đảm vật tư, trang thiết bị phòng hộ cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch. Đồng thời, có biện pháp động viên kịp thời những trường hợp khó khăn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương quán triệt, thực hiện quyết liệt yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài, đến bệnh viện; chỉ đạo công an phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở để theo dõi sức khoẻ của người dân trên địa bàn.
Đủ thuốc điều trị
Tại cuộc họp đã cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đang sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm (test kit) do Học viện Quân y sản xuất mà chưa sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh phát hiện các trường hợp nghi ngờ. Bộ test kit của Học viện Quân y đã được các cơ quan quản lý, khoa học trong nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận.
Trên cơ sở tham khảo WHO và các nước trên thế giới và thực tiễn trong nước, ngành y tế đã cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị COVID-19. Chúng ta cũng đảm bảo đủ thuốc điều trị.
Các ca bệnh nặng đều được các chuyên gia y tế đầu ngành tập trung hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn, hỗ trợ chữa bệnh. Bộ Y tế cũng đang tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho các y bác sĩ tuyến dưới để sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân. Đồng thời chỉ đạo chuyển những bệnh nhân không nặng về điều trị tại các bệnh viện địa phương để bác sỹ các tuyến có thêm kinh nghiệm.
Ban Chỉ đạo giao lực lượng y tế cơ sở tiếp tục nắm bắt các trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn phân loại, thống kê những người mắc bệnh nền, người già yếu, yếu thế,… để theo dõi giám sát sức khoẻ tại nhà.