Quy hoạch chồng quy hoạch, lãnh đạo tỉnh “vừa ký vừa run”

Chủ Nhật, 30/10/2016, 08:26
Thảo luận về Luật Quy hoạch, lãnh đạo một số địa phương đã than phiền về tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch và bệnh “hoành tráng”, gây khó rất nhiều không chỉ cho người dân vì quy hoạch “treo” mà còn cho chính việc điều hành.

Mặc dù là ngày nghỉ, nhưng do quá gấp về thời gian, ngày 29-10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã làm việc từ 8h đến 19h cùng ngày để xem xét 3 dự án luật được Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình. Thảo luận về Luật Quy hoạch, lãnh đạo một số địa phương đã than phiền về tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch và bệnh “hoành tráng”, gây khó rất nhiều không chỉ cho người dân vì quy hoạch “treo” mà còn cho chính việc điều hành.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, thời gian qua công tác quy hoạch có rất nhiều hạn chế, yếu kém. Thứ nhất là quy hoạch được lập quá nhiều. Nếu thời kỳ 2001 – 2010 chỉ mới lập 3.114 quy hoạch, thì đến thời kỳ 2011 – 2020 đã lập 12.860/19.285 quy hoạch. 

Trái ngược với số lượng bùng nổ, chất lượng quy hoạch được nhận định là “quá thấp”, đơn cử quy hoạch xi măng được Thủ tướng phê duyệt đến nay đã điều chỉnh 3 lần, hay quy hoạch điện, than cũng đã và đang phải điều chỉnh. 

Quy hoạch cũng được cho rằng “không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi”. Giai đoạn 2011 – 2020, nhu cầu vốn đầu tư ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong quy hoạch là 385 – 390 tỷ USD, nhưng thực tế khả năng huy động chỉ đạt khoảng 210 – 215 tỷ USD – tức khoảng 50%.

Nhiều quy hoạch đã bị phá vỡ, như theo quy hoạch diện tích cao su sẽ ổn định 800.000 ha, nhưng đến nay đã vượt trên 155.700 ha; theo quy hoạch cà phê, đến nay diện tích cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đã vượt 114.000 ha...

Đại diện cho địa phương, ông Hoàng Văn Trà – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên than phiền về tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch, đến mức là lãnh đạo địa phương, ông cũng không nắm hết.

“Văn bản anh em cứ trình lên là đúng quy hoạch, nhưng quy hoạch nào? Tôi vừa ký vừa run vì không biết phù hợp với quy hoạch này nhưng có vi phạm quy hoạch khác hay không?”.

So với quy hoạch, cà phê đã vượt hơn 100.000 ha.

Chia sẻ thực tế này, ông Đặng Huy Đông cho biết, riêng Phú Yên “theo chúng tôi thống kê có hơn 200 bản quy hoạch “kẻ” lên một mảnh đất nhỏ như vậy. Mục tiêu làm luật của chúng tôi cũng là để tránh các đồng chí quản lý còn thấy khó”.

Ông Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thì cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các quy hoạch “trên trời”, không có tính khả thi là bệnh “con gà tức nhau tiếng gáy” của các địa phương. “Hàng chục năm qua, đặt vấn đề quy hoạch đi trước một bước, nên như phong trào, ai cũng làm quy hoạch KT-XH, từ tỉnh đến huyện. Địa phương nào cũng muốn đẩy quy hoạch của mình lên một bước cho hoành tráng, để thấy một viễn cảnh tươi đẹp của địa phương mình.

Cho rằng dự án luật rất cấp bách, nhưng ông Trần Hoàng Ngân – thành viên Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh “không phải vì tính cấp bách mà phải thông qua ở kỳ họp này nên xem xét cho kỹ”.

“Mỗi lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi bị áp lực nhất là luật quy hoạch. Đơn kiến nghị của cử tri nằm phần lớn ở chồng lấn quy hoạch, quy hoạch treo kéo dài gây bức xúc. Thời gian qua ta lạm dụng quá từ quy hoạch nên ở các địa phương số lượng tăng rất nhanh. Ta có quá nhiều tham vọng, thoát ly khỏi năng lực thực tế, nguồn lực thực tế đến 50 năm. Đôi khi chúng ta tưởng chúng ta đã giàu” – đại biểu nhấn mạnh.

Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, mặc dù tờ trình bảo lưu quyền phê duyệt của Chính phủ đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, nhưng các đại biểu đều cho rằng đây phải là thẩm quyền của Quốc hội.

Ông Nguyễn Hữu Quang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ ra bất cập: Theo luật này và các quy định hiện hành, nhiều công trình, dự án cấp quốc gia là do Quốc hội quyết định, như sân bay Long Thành, điện hạt nhân Ninh Thuận, thủy điện Lai Châu... nhưng tất cả dự án này lại nằm trong quy hoạch được Thủ tướng và Chính phủ phê duyệt”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cũng cho rằng, nếu các dự án 10.000 tỷ đã là Quốc hội phê duyệt thì vấn đề lớn như quy hoạch tổng thể quốc gia không có lý gì không để Quốc hội.

Đề xuất bỏ 41 ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư thay mặt Chính phủ trình xem xét tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế vừa diễn ra cho đến chiều muộn ngày 29-10, đã có 41 ngành, nghề được bỏ ra khỏi danh mục.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất bãi bỏ 27 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư hoặc thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như yêu cầu quản lý nhà nước. Bổ sung 15 ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành hoặc ngành, nghề mới phát sinh cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp với các tiêu chí quy định trong luật.

Hệ thống hóa một số ngành, nghề có mục tiêu, tính chất và cơ quan quản lý để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này.

Theo đó, 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đã cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành, nghề nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ, minh bạch điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này phù hợp với quy định tại các luật có liên quan cũng như thực tiễn quản lý nhà nước.

Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 226 ngành, giảm 41 ngành so với quy định hiện hành. Đáng chú ý, ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vẫn không được bỏ ra khỏi danh mục.

                    V.H.

Vũ Hân
.
.
.