Doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ khốn đốn vì phát triển thiếu quy hoạch

Thứ Ba, 26/07/2016, 08:28
Xuất khẩu dăm gỗ ở Quảng Ngãi từng được xem là ngành “béo bở”, mang lại những khoản lợi nhuận “khủng” cho các doanh nghiệp. Thấy vậy nên nhiều “đại gia” ở tỉnh Quảng Ngãi đã thi nhau bỏ tiền đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dăm gỗ. Có những doanh nghiệp sở hữu 2-3 nhà máy.

Việc phát triển một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch đã dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”. Và hậu quả của nó là giờ đây không ít nhà máy dăm gỗ ở Quảng Ngãi rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, phải sản xuất cầm chừng, thậm chí là đóng cửa do không đủ nguyên liệu sản xuất, trong khi thị trường xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp, giá thành giảm mạnh.

Việc xuất khẩu dăm gỗ của các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn.

Hơn 3 tháng nay, dây chuyền của nhà máy sản xuất dăm gỗ của Công ty TNHH Tam Minh ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) phải tạm ngưng hoạt động, chuyển qua kinh doanh ngành nghề khác. Nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như giá cả xuất khẩu xuống quá thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Lưu Tuấn Anh, Giám đốc công ty này, chia sẻ: “Do Trung Quốc ép giá xuống thấp từ 10 - 15 USD/tấn đã làm ảnh hưởng đến việc trồng và khai thác dăm gỗ. Doanh nghiệp chỉ có thể lỗ hoặc may mắn là hòa vốn trong 6 tháng đầu năm”. Thống kê 6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ ở Quảng Ngãi chỉ xuất khẩu khoảng 830 ngàn tấn, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, giá cả thị trường luôn bấp bênh, nếu như năm 2015 về trước, giá một tấn dăm gỗ dao động từ 137-140 USD thì nay chỉ còn khoảng 125-128 USD. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, sản phẩm dăm gỗ của Quảng Ngãi chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một phần Hàn Quốc, Nhật Bản.

Vậy nên, giá cả phụ thuộc rất lớn vào các đối tác, dẫn đến bất cập là bị các đối tác ép giá, vì cho rằng gỗ dăm xuất không đạt chất lượng, khiến giá nguyên liệu rớt giá, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ thua lỗ. Cùng với đó, trên địa bàn Quảng Ngãi có quá nhiều nhà máy cùng ngành nghề, đến nay có 26 nhà máy đã khiến các doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến dăm gỗ rơi vào cảnh khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Điều này đã đẩy nhiều nhà máy đứng bên vực phá sản do thiếu nguyên liệu sản xuất, gây nên tình trạng tranh mua tranh bán không lành mạnh. Một vấn đề khác cũng làm đau đầu các doanh nghiệp là người dân bán keo non, chỉ 3-4 năm là khai thác dẫn đến kém chất lượng làm cho giá thành xuất bán thấp.

Ông Lê Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành Lưu, than thở: “Người dân chạy theo lợi nhuận nên bán keo non. Thị trường Trung Quốc lợi dụng ép giá. Trong khi nhà máy sản xuất dăm phát triển quá nhiều nên doanh nghiệp khó cạnh tranh”.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã từng khuyến cáo cần phải mở rộng thị trường xuất khẩu, bởi việc lệ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc sẽ không ổn định. Tuy nhiên, cho đến lúc này vẫn chưa doanh nghiệp nào làm được. Giá dăm gỗ thị trường liên tục bấp bênh cộng việc từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp phải chịu mức thuế xuất khẩu thêm 2% nên ngành chế biến dăm xuất khẩu vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Anh Thư
.
.
.