Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Kiên quyết không để EC rút thẻ đỏ

Thứ Bảy, 04/08/2018, 08:11
Tại Hội nghị trực tuyến về một số nhiệm vụ cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp – IUU ngày 3-8, Bộ NN&PTNT cho biết, từ tháng 10-2017 đến nay, đã có 482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đến tháng 5, có 22/28 địa phương ven biển ra văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục cảnh báo thẻ vàng EC. 

Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt. Công tác kiểm soát tàu cá trên biển có tiến bộ. Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU, còn một số tồn tại, hạn chế. Nhiều địa phương chưa nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Cũng theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, từ 23-10-2017 đến nay, đã xảy ra 75 tàu/482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; 77 tàu/589 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại khu vực chồng lấn, tranh chấp. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Lực lượng chức năng chưa kiểm soát được tàu cá ra vào cảng, hoạt động trên biển và sản lượng hải sản cập bến. Nhiều tàu cá và ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ ở một số khu vực bị tranh chấp.

Sau khi nghe các địa phương có ý kiến, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: “Thống nhất lực lượng kiểm soát vùng bên ngoài. Nếu cần thiết có thể tăng chế tài xử phạt kèm rút giấy phép tàu thuyền vi phạm”. 

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả về công tác phòng, chống khai thác IUU. 

Bộ NN&PTNT cũng sẽ chỉ đạo các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác; vận hành hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá; xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng nhận định, khai thác hải sản của Việt Nam đang có những nhược điểm như quy mô nhỏ lẻ, tổ chức hạn chế, nhận thức pháp luật và tuân thủ quy định pháp luật còn hạn chế. 

Những nhược điểm này gây ra hậu quả, đánh bắt cá theo hình thức huỷ diệt, ngư dân vẫn vi phạm đánh bắt tại các vùng biển nước ngoài. 

Điều này ảnh hưởng lớn đến hình ảnh Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Nếu EC nâng cảnh báo thẻ đỏ, chắc chắn hải sản chúng ta sẽ không được xuất sang EU. Điều đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đời sống ngư dân vùng biển. 

“Việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao chưa hiệu quả, đây là trách nhiệm của các bộ ngành địa phương. Những tồn tại trên nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành thuỷ sản, phát triển kinh tế nói chung”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định. 

Vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các kiến nghị của EC, tuân thủ nghiêm các quy định khai thác hải sản quốc tế, khai thác hải sản bảo vệ nguồn lợi phát triển bền vững.

"Tôi yêu cầu Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không để EC rút thẻ đỏ. Chúng ta cũng cần coi đây là cơ hội để sắp xếp, tái cấu trúc lại ngành thuỷ sản, đồng thời đổi mới cấu trúc lại đánh bắt nuôi trồng như thế nào là hợp lý, cải thiện đời sống người dân", Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp, tập trung chỉ đạo thống nhất các cấp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý khai thác thuỷ sản, đánh bắt hải sản hợp pháp. 

Bên cạnh đó là việc xây dựng, thực hiện cơ chế phối hợp giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính kiểm soát hàng thuỷ sản được nhập vào Việt Nam bằng các tàu vận chuyển hàng đông lạnh quốc tế tại các cảng giao thông quốc tế, đảm bảo yêu cầu thực hiện các quy định pháp luật về thực hiện các biện pháp quốc gia có cảng. 

Cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại cảng quốc tế phối hợp kiểm tra tàu vận chuyển nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, đảm bảo tính hợp pháp trước khi cho tàu cập cảng; nghiên cứu đề xuất danh sách cảng chỉ định cho tàu cập cảng...

Ngọc Yến
.
.
.