Việt Nam không dung túng cho hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp

Thứ Năm, 05/10/2017, 08:59
Việt Nam không dung túng và không khuyến khích hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp. Ngược lại, chúng ta vừa vận động thuyết phục, nhưng nếu vi phạm thì chúng ta xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Luật Thủy sản sửa đổi cũng đề cập đến vấn đề này, dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 này.


Đã qua thời điểm 30 – 9, thời hạn mà Liên minh châu Âu (EU) dự định xem xét rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam nếu không khắc phục được 5 nhóm nội dung mà EU cảnh báo. Trao đổi với báo chí về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho biết:

Bộ đã liên hệ với các cơ quan chức năng của EU thì EU cho biết là “đang xem xét”. Nhưng “đang xem xét” không có nghĩa EU sẽ không rút thẻ vàng với Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám.

PV: Cụ thể, EU đang khuyến cáo điều gì và mình đã làm gì để khắc phục thưa ông?

Ông Vũ Văn Tám: Nhìn chung, họ khuyến cáo rất cụ thể vào 3 nội dung chính của IUU fishing. Trong đó, có 5 nhóm EU cảnh báo và yêu cầu ta phải khắc phục tập trung vào trọng tâm phải hoàn thiện các thể chế, các quy định của chúng ta từ luật trở xuống đến các văn bản hướng dẫn phải đảm bảo được hệ thống pháp luật phải nghiêm khắc; thứ hai những vấn đề về tổ chức, thực thi của chúng ta ở trên biển để đảm bảo làm sao chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. 

EU cũng cảnh báo việc giám sát các tàu khai thác gắn với truy suất nguồn gốc: Từ việc ghi nhật ký khai thác ở trên tàu, rồi cấp phép khai thác, kiểm soát cường lực khai thác; tuần tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm ở trên vùng biển; trách nhiệm của chủ tàu, các bến cảng, các cơ sở hậu cần nghề cá cũng như việc giám sát của cơ quan quản lý để đảm bảo tất cả những hải sản mà khai thác ở trong vùng biển không vi phạm IUU mà lại truy suất được nguồn gốc. Đây là khối lượng công việc rất lớn mà chúng ta đã cố gắng nhưng mà cũng chưa đáp ứng hoàn toàn theo quy định của EU.

Một vấn đề nữa là tàu cá, ngư dân của chúng ta đi đánh bắt nhiều khi không chú ý dẫn đến tàu cá đi vào  vùng biển các nước. Đây là vấn đề trọng tâm không chỉ EU và các nước liên quan cảnh báo, nhắc nhở chúng ta. Vấn đề  này không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản xuất của bà con ngư dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín, sự hợp tác của chúng ta đối với các nước….

Về mặt quan điểm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT đã tuyên bố và trao đổi với các bạn: Việt Nam không dung túng và không khuyến khích hành vi vi phạm này. Ngược lại, chúng ta vừa vận động thuyết phục, nhưng nếu vi phạm thì chúng ta xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Luật Thủy sản sửa đổi cũng đề cập đến vấn đề này, dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 này. 

Chúng ta cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Công điện 732, trong đó đưa ra những giải pháp mạnh, đặc biệt là những tỉnh trọng điểm có tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước thì Chủ tịch UBND tỉnh nếu không ngăn chặn được việc này sớm thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

PV: Trong các khuyến nghị của EU có một ý là chúng ta phải điều tra nguồn lợi thủy sản và dựa trên kết quả điều tra đó chúng ta mới quy hoạch tàu cá và phát triển, chứ không thúc đẩy đóng tàu bằng mọi giá như hiện nay. Ông nhìn nhận như thế nào vấn đề này?

Ông Vũ Văn Tám: Khuyến nghị của EU rất phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay và chúng ta cũng sửa Luật Thủy sản theo hướng này. Có nghĩa là, những nội dung trong Luật Thủy sản tới đây sẽ nhấn mạnh đến điều tra nguồn lợi cũng như khai thác nguồn lợi dựa trên trữ lượng và sản lượng tối đa cho phép. Vì vậy, trong Luật Thủy sản có thiết kế sẽ giao cho Chính phủ có chương trình điều tra nguồn lợi định kỳ 5 năm một lần. 

Trên cơ sở những thông số, thông tin thống kê về trữ lượng nguồn lợi cũng như sản lượng hải sản cho phép khai thác tối đa một cách bền vững, từ đó chúng ta sẽ tổ chức lại đóng tàu như thế nào, phát triển bao nhiêu tàu là vừa, cơ cấu tàu theo nghề, theo vùng biển như thế nào và có lộ trình giảm những nghề và tàu cá theo những nghề hiện nay ảnh hưởng đến nguồn lợi như lưới kéo đáy chẳng hạn để có một cơ cấu và chế tài giám sát chặt chẽ. 

Chúng ta cũng tổ chức cấm khai thác theo mùa, khu vực và đối tượng – những đối tượng nào cạn kiệt, suy giảm nhiều thì sẽ có thời gian cấm, đặc biệt mùa sinh sản của thủy sản thì chúng ta phải cấm biển để khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản như các nước trong khu vực và trên thế giới đang làm.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Ngọc Yến (Thực hiện)
.
.
.