Những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Thứ Sáu, 21/07/2017, 16:59

Chiều 21-7, tại TP Huế, Bộ TT&TT phối hợp cùng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức khai mạc “Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ, được chia làm các nhóm chính gồm: Phiên bản các văn bản Hán- Nôm, văn bản Việt ngữ, Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương (ban hành thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX).

Các châu bản triều Nguyễn (từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý khai mạc vào chiều 21-7 tại TP Huế thu hút đông đảo người xem.

Ngoài ra còn có một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn, xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh đó là bộ sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay.

Một số bản tư liệu quý giá khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Bộ sưu tập gồm 4 tập bản đồ (atlas) và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản, phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Xisha và Nansha và đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này...

Dưới đây là một số hình ảnh được ghi lại tại Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý.

Tấm bản đồ Đông Dương với Hoàng Sa - Trường Sa có gió bão từ biển Đông thổi vào hồi tháng 11 trung bình các năm 1911-1929.

Đại nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 165, tờ 24,25) chép việc vua Minh Mạng sai thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi khảo sát, cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa năm 1836.

Các hiện vật được trưng bày tại triển lãm.

Đại Nam Nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838 có thể hiện 2 địa danh Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa bằng chữ Hán. 

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 24-7. 

Hồ sơ đèn biển ở đảo Hoàng Sa do ông Nguyễn Thái Phong (ở TP Hải Phòng) hiến tặng vào tháng 9-2013.

Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo giữa biển Đông.

Người dân ở Cố đô Huế ấn tượng với các bản đồ công bố từ thế kỷ XVII 
chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phiên bản các châu bản triều Nguyễn liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được trưng bày tại triển lãm.
Anh Khoa
.
.
.