Nhiều vướng mắc trong xử lý hình sự với thuốc lá lậu
- Bắt lái xe chở thuốc lá lậu tông chết người rồi bỏ chạy
- Đoàn xe “ma tốc độ” chở 5.240 gói thuốc lá lậu
- Long An vẫn nóng “cuộc chiến” chống thuốc lá lậu
- Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và buôn lậu phía Nam tăng cường chống thuốc lá lậu
Buôn lậu biến tướng tinh vi và manh động hơn
Sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg, lực lượng chức năng đã tích cực đánh mạnh vào các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá lậu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Theo thống kê, từ ngày 1-10-2014 đến 30-6-2016, các lực lượng chức năng của 6 địa phương trọng điểm phía Nam đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15,363 vụ, bắt giữ 11,390,366 bao; khởi tố hình sự 372 vụ và 471 đối tượng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá tại các địa phương trọng điểm đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điển hình là vụ chống người thi hành công vụ tại Long An rạng 23h đêm ngày 15/9 vừa qua, khiến 1 cán bộ quản lý thị trường hi sinh, cho thấy sự liều lĩnh và manh động của các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu.
Hiện nay, phương thức vận chuyển thuốc lá lậu cũng có thay đổi so với trước. Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn, cất giấu hàng trong cabin, mui, gầm, bình xăng xe; bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển; dùng xuồng máy, ghe máy có tốc độ rất cao để vận chuyển, thường xuyên thay đổi thời gian, cung đường hoạt động, chủ yếu là vào ban đêm.
Đặc biệt, chúng cũng manh động và liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ, hô hào, tập trung đông nguời gây áp lực nhằm cướp hàng, tẩu tán tang vật, đánh tháo đối tượng bị bắt giữ.
Dù số vụ bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá lậu rất nhiều, nhưng tình trạng buôn lậu vẫn chưa giảm nhiệt đáng kể |
Nguyên nhân thuốc lá lậu diễn biến phức tạp, dù đã có nhiều biện pháp mạnh tay, vẫn là do lợi nhuận thu được rất lớn. Thuốc lá nhãn hiệu Hero chênh lệch từ 8.000 – 10.000 đồng/bao, Jet 10.000 – 12.000 đồng/bao, Esse là 3.500 – 4.000 đồng/bao, trong khi đó, thuốc lá hợp pháp đang bị áp thuế cao (thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%, quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%), phải in hình cảnh báo...
Khó khăn trong chế tài xử lý hình sự
Trong khi lợi nhuận rất hấp dẫn, thì các chế tài xử lý đang còn chồng chéo, bất cập, gây khó cho việc xử lý hình sự các đối tượng buôn lậu. Nghị định 124/2015/NĐ-CP có quy định kinh doanh, nhập lậu, vận chuyển trái phép từ 500 bao trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi chuyển hồ sợ vụ việc sang cơ quan tiến hành tố tụng thì lại bị vướng bởi quy định tai khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tích số 36/2012 của Bộ Công Thương- Bộ Công an- Bộ Tư pháp-Bộ Y tế- Tòa án Nhân dân tối cao- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (quy định số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao mới là số lượng lớn), nên không truy cứu trách nhiệm hình sự được. Chưa kể đến, Luật Đầu tư 2014 không quy định cấm kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, nhưng lại quy định sản xuất kinh doanh thuốc lá điếu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đặc biệt, Hiệp hội Thuốc lá cho rằng một số quy định trong Bộ luật hình sự 2015 có thay đổi bất lợi đến công tác đấu tranh với vấn nạn này.
Theo đó, Thuốc lá nhập lậu vào nhóm B. Đối với hàng hóa thuộc nhóm B để xử lý hình sự theo Điều 190 và 191 thì hàng giá trị phạm pháp phải tối thiểu bằng 100 triệu đồng đối với khung hình phạt 1; Giá trị hàng hóa 300 triệu đồng trở lên với khung hình phạt 2 và 500 triệu đồng đối với khung hình phạt 3. Đối với thuốc lá nhập lậu, mức này là rất cao. Ví dụ, nếu tính buôn bán lậu Jet và Hero với mức giá 15.000 đồng/bao thì 1.500 bao; 4.500 bao và 13.500 bao sẽ tương đương với 22,5 triệu; 67.5 triệu và 202,2 triệu… giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị hàng cấm tối thiểu để xử lý theo khung hình phạt 1,2,3 tại điều 190 và 191 BLHS 2015 mới là 100 triệu đồng; 300 triệu đồng và 500 triệu đồng.
Theo Luật sư Vũ Cát Tường – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH TC và Cộng sự: Thuốc lá là một mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Trong khi thuốc lá hợp pháp chịu rất nhiều sự điều chỉnh chuyên biệt như phải công bố hợp chuẩn, hợp quy và đảm bảo hàm lượng tar, nicotin phù hợp, phải in hình cảnh báo, nộp các loại thuế, phí cao hơn; thuốc lá lậu thường có hàm lượng tar và nicotin cao, giá rẻ hơn nhiều do trốn thuế... Tại cùng một mức giá trị hàng phạm pháp, thuốc lá lậu gây nguy hại cho xã hội gấp nhiều lần so với các mặt hàng phạm pháp thông thường khác. Do đó việc áp dụng chung một mức giá trị đối với thuốc lá lậu và các hàng phạm pháp khác trong Nhóm B làm căn cứ định tội như quy định tại Điều 190, 191 BLHS 2015 là chưa hợp lý.
Thêm vào đó, nếu thực hiện, việc định giá để xác định giá trị hàng phạm pháp để xử lý hình sự sẽ phức tạp, phải qua hội đồng định giá có sự tham gia của đại diện đến từ nhiều cơ quan khác nhau, có yêu cầu định giá, thực hiện khảo sát giá, xem xét tài sản, nghiên cứu thông tin liên quan đến tài sản cần định giá và tổ chức họp định giá; và do đó mất thời gian và tốn kém hơn nhiều so với việc xác định theo số lượng bao trước đây.