Cần tách bạch giữa quyền và nghĩa vụ trong Luật Thanh niên hiện hành

Thứ Ba, 10/09/2019, 12:00

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh như trên, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10-9, cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).


Sáng nay, 10-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) là tách quyền với nghĩa vụ của thanh niên thành hai điều khác nhau, đồng thời quy định chính sách của Nhà nước gắn liền với quyền, nghĩa vụ trong từng lĩnh vực.

Tuy nhiên qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thấy rằng, mục đích chính của việc xây dựng quyền, nghĩa vụ cũng như chính sách đối với thanh niên là nhằm tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ, khả năng, trí tuệ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phải tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho thanh niên so với những công dân khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

“Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo xác định lại cách tiếp cận để từ đó xây dựng nội dung các quyền, nghĩa vụ và chính sách một cách khoa học, có giá trị trong thực tiễn thi hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nói.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nói đến dự án luật này ông kỳ vọng rất lớn, tuy nhiên khi đọc hồ sơ dự án luật thì chưa thoả mãn. “Có một điều cứ vang vọng mãi trong đầu là “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” thì luật này khiến tôi rất băn khoăn. Vì thể hiện nghĩa vụ thì ít mà đòi hỏi Tổ quốc cho mình nhiều quá. Quyền lợi đòi hỏi nhiều, nghĩa vụ thì không rõ”, ông thẳng thắn.

Đồng thời, ông đánh giá dự án luật dẫn chiếu nhiều, trong khi nếu thay từ “thanh niên” bằng từ “công dân” thì cũng vẫn vậy, tức là không có nét gì của riêng biệt thanh niên. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, quy định trong luật nghĩa vụ thì mờ nhạt, tính cụ thể không rõ, mang tính khẩu hiệu nhiều...

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lại bày tỏ sự trăn trở vì vừa qua một số phong trào thanh niên, một bộ phận thanh niên xuống cấp về đạo đức, lối sống thì trách nhiệm thuộc về đâu, do trách nhiệm quản lý nhà nước hay sự phối hợp giữa Đoàn Thanh niên và cơ quan nội vụ các cấp?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

“Thực sự đọc luật này những cái hừng hực của tuổi trẻ và điểm mới không nhiều. Tôi đã được đi dự nhiều diễn đàn của thanh niên, thế giới chú ý sự tham gia của thanh niên vào việc hoạch định chính sách. Đây là điều mà trên thế giới hay nhấn mạnh, đề nghị trong luật cần phải quan tâm, nhấn mạnh hơn nữa”, bà đề nghị.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo bám sát tinh thần của Hiến pháp ở khoản 2, Điều 37, quy định “thanh niên được nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống văn hoá dân tộc, ý thức công dân, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Cần bám sát tinh thần này, cụ thể hoá trong luật và làm rõ điều kiện để thanh niên thực hiện được.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, những vấn đề về quyền, nghĩa vụ của thanh niên cơ bản đã được quy định khá rõ trong các luật chuyên ngành, cái gì mà luật chuyên ngành chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể thì mới tiếp cận, đưa vào luật này. Đặc biệt là làm rõ quy định của Hiến pháp năm 2013 về các điều kiện bảo đảm cho thanh niên học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ...

Toàn cảnh phiên họp

“Tôi nhấn mạnh ở chỗ, điều kiện nào bảo đảm cho thanh niên tiếp cận được những quyền mà Hiến pháp quy định. Đây là những nội dung hết sức quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể trong luật. Vấn đề không phải thanh niên có quyền gì, trách nhiệm gì mà thanh niên cần những điều kiện đảm bảo gì để có thể với tới, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trước xã hội?”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân của thanh niên trong điều kiện hiện nay. “Đặc biệt những thanh niên tham gia mạng xã hội, tiếp cận thông tin rồi bình luận. Khi có thông tin giả, thông tin sai thì nhiều thanh niên ùn ùn tiếp cận, làm “anh hùng bàn phím”, bỏ hết tất cả truyền thống dân tộc, ý thức công dân, trách nhiệm trước xã hội...”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là cái khó của công tác thanh niên hiện nay.

Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần tách bạch, tránh sự lẫn lộn giữa quyền và nghĩa vụ như ở Luật Thanh niên hiện hành. Về đối thoại với thanh niên cần đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, trùng lặp...

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo cần viết lại nội dung dự án luật theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và phát biểu góp ý của các đại biểu tại phiên họp, có giải trình rõ ràng, thực hiện đúng Hiến pháp, không chồng chéo với các luật khác.

“Nếu hồ sơ được thực hiện đúng quy định, cập nhật và sửa đổi cho phù hợp thì Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ thẩm tra chính thức, nếu được thì đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cho sắp xếp thảo luận cuối kỳ họp. Nếu trong thời gian khoảng 2 tháng luật đáp ứng yêu cầu thì sẽ trình ra Kỳ họp thứ 8 để xin ý kiến Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận.


Quỳnh Vinh
.
.
.