Thận trọng với những thông tin sai lệch, độc hại trên Internet

Thứ Hai, 23/03/2015, 09:42
Ngày nay, với những thành tựu đột phá của cách mạng khoa học - kỹ thuật, nhất là trên lĩnh vực công nghệ thông tin đã và đang từng bước làm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của con người trong việc tiếp cận, nghiên cứu, tìm kiếm, chia sẻ thông tin.

Internet với hàng loạt các tính năng, dịch vụ truyền thông trên không gian mạng dần trở thành một công cụ, một kênh thông tin, liên lạc, tương tác xã hội không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của con người.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động hiện nay, đó là sự nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng. Bên cạnh hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương được cấp phép và hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật, còn tồn tại một số lượng khổng lồ các trang web, blog, mạng xã hội… của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đăng tải hàng triệu thông tin, bài viết, ý kiến trao đổi, bình luận ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dưới nhiều góc độ, khía cạnh, mục đích khác nhau mà không đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin.

Trước tiên, phải kể đến là những thông tin, bài viết đăng tải trên các trang web, blog của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng việt Nam, chúng đã lập ra hàng nghìn trang web, blog, đăng tải nhiều tin, bài viết với nội dung tuyên truyền xuyên tạc lịch sử; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại đến an ninh, quốc phòng.

Thủ đoạn của chúng thường là thêm bớt, cắt xén nội dung thông tin; bình luận, phân tích, đánh giá vấn đề một cách chủ quan, quy chụp, giả khoa học; viết bài rút tít giật gân, đặt tiêu đề gắn với những sự kiện chính trị, xã hội có tính thời sự, nhạy cảm; làm giả các tài liệu nội bộ, con dấu của các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị, chính quyền các địa phương… rồi đăng tải công khai trên các trang web, blog để gợi trí tò mò, lừa bịp dư luận quần chúng.

Đáng chú ý là những trang web, blog này được chúng đầu tư xây dựng công phu, đa dạng về nội dung, hình thức bắt mắt, hấp dẫn để thu hút sự chú ý của người đọc.

Thậm chí có những trang web, blog của các đối tượng phản động được thiết kế rất giống với các trang tin điện tử, báo online của các cơ quan Đảng, Nhà nước, nên người dùng dễ bị nhầm lẫn, bị tiêm nhiễm các tư tưởng phản động, hiểu sai bản chất vấn đề khi tiếp cận những thông tin từ các trang web này.

Với tốc độ phát triển của Internet như hiện nay, thật không khó để ai đó có thể lập ra một trang web, blog, facebook… phục vụ cho việc trao đổi, chia sẻ thông tin trên không gian mạng.

Về bản chất, đây là những trang cá nhân, tuy nhiên, những trang này hoàn toàn có thể được xây dựng, hoạt động với các tính năng gần giống với trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước.

Trên các trang web này, admin hoàn toàn có thể chia sẻ bất kỳ thông tin, bài viết nào họ muốn liên quan đến các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội, hay kiến thức chuyên ngành tùy ý.

Tuy nhiên, vì là ý kiến của một cá nhân nên chất lượng, nội dung thông tin phụ thuộc vào khả năng, trình độ hiểu biết, phương pháp luận, ý thức chính trị, pháp luật của người đưa tin mà không có sự sàng lọc, thẩm định tính khách quan, chân thực trước khi đăng tải nên không tránh khỏi sai sót.

Do đó, mặc dù admin không có mục đích xấu khi đăng tải những thông tin, bài viết trên trang web của mình, nhưng vì những lí do khách quan, chủ quan nên không phản ánh đầy đủ, chính xác bản chất vấn đề, vụ việc.

Điều này gây ra sự sai lệch trong nhận thức của người đọc trong quá trình nghiên cứu, sử dụng nội dung từ những tin, bài viết này.

Bên cạnh đó, việc các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng môi trường mạng Internet để thực hiện các hành vi phạm tội như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mại dâm; tuyên truyền những sản phẩm văn hóa đồi trụy, độc hại… thông qua các trang web đen hiện nay có dấu hiệu diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài sản, vật chất mà còn trực tiếp tác động làm suy thoái, biến chất tư tưởng, đạo đức lối sống của người dân, đặc biệt là giới trẻ khi tiếp cận những nguồn tin này.

Thực tế cho thấy, đã có không ít những trường hợp phạm tội đau lòng xảy ra trên địa bàn toàn quốc trong thời gian qua mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng từ các thông tin của các trang web đồi trụy.

Về phía người dân, việc tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ, tiếp cận thông tin đa chiều về tình hình trong nước, khu vực và thế giới luôn là nhu cầu, đòi hỏi bức thiết, ngày càng cao.

Một trong những kênh thông tin thông dụng, phổ biến nhất hiện nay chính là Internet. Tuy nhiên, việc tìm gì? đọc gì? nghiên cứu, tiếp nhận, chắt lọc, sử dụng thông tin trên Internet như thế nào cho đúng cách, hiệu quả lại là vấn đề mà không phải ai cũng làm tốt.

Đã có không ít người vì nhẹ dạ, mất cảnh giác, tin theo vào thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, phản động đăng tải trên các trang web đen mà dấn thân vào con đường tội lỗi, phải chịu sự chế tài nghiêm khắc của luật pháp.

Những cái tên như: Nguyễn Thị Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Hồ Đức Hòa… và những bản án dành cho họ là những bài học cho mọi người khi tiếp cận những thông tin trên Internet.

Chính vì vậy, tránh những hậu quả đáng tiếc khi tiếp cận thông tin trên Internet, người dùng Internet cần phải có nhãn quan chính trị sắc bén, bản lĩnh chính trị vững vàng; đồng thời cao tinh thần cảnh giác, sàng lọc, kiểm tra độ chính xác của thông tin trước khi nghiên cứu, sử dụng.

Cần hình thành thói quen so sánh, đối chiếu với những thông tin chính thống đăng, phát trên các trang báo online, trang thông tin điện tử đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ để kiểm tra mức độ tin cậy của thông tin trên Internet nếu bạn chưa chắc chắn về độ chính xác.

Tân Sơn
.
.
.