Nhân dân tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 26/06/2018, 17:49
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng được tổ chức ngày 25-6 tại Hà Nội, đã xác định những giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

Qua theo dõi diễn biến Hội nghị, nhân dân thể hiện sự đồng tình, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm hành động của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Công tác cán bộ là gốc

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị, tập trung lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, có giá trị tổng kết thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng trong 5 năm qua, từ khi có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu, đặc biệt từ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay do Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trình bày tại Hội nghị rất sát với thực tiễn, làm rõ những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua. So sánh về số vụ việc, quy mô, cách thức xử lý, số lượng cán bộ đảng viên bị xử lý… cho thấy công tác này đã nhiều thành công đáng kể, gấp nhiều lần so với thời kỳ trước.

Báo cáo và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến thành công này. Đó là do sự chỉ đạo, quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân dân rất tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó là sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan có trách nhiệm, từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan nội chính, thanh tra, công an, tòa án, viện kiểm sát…

Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào thực sự mang tính cách mạng, một xu thế trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội, làm cho mọi người không thể đứng ngoài cuộc, đều góp sức vào công cuộc này.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh, Hội nghị cũng đã tổng kết việc xử lý các mối quan hệ trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ… có quan hệ mật thiết với chống tham nhũng. Ngoài ra, việc sắp xếp, bố trí, lựa chọn cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII cũng tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng; ngược lại nếu chống tham nhũng thành công cũng góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc tăng cường kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước cũng không thể tách rời kết quả phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đã khẳng định, để chống tham nhũng thành công phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được. Ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra 6 giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, các giải pháp này phải tiến hành đồng bộ, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Tuy nhiên cái gốc vẫn là công tác cán bộ. Theo đó, công tác lựa chọn, đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ phải được thực hiện nghiêm. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị, thậm chí phải giáo dục đạo đức từ phổ thông.

Đặc biệt, phải kiểm soát quyền lực cán bộ thông qua cơ chế, như Tổng Bí thư từng nói “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, chú trọng kiểm soát chéo, nhân dân kiểm soát cán bộ. “Chính sách cán bộ cũng cần quan tâm hơn nữa, tạo ra chế độ đãi ngộ xứng đáng để cán bộ toàn tâm, toàn ý vào công việc”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc nêu.

Lấy lại niềm tin trong nhân dân

Đại tá quân đội nghỉ hưu Trần Đức Xán, trú tại phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: Thời gian qua, ông thường xuyên theo dõi các vụ án tham nhũng lớn trên ti vi, báo, đài như vụ Đinh La Thăng và các đồng phạm. Ông rất phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay của Đảng và Nhà nước ta.

“Tôi thấy rất mừng trước những thành quả trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, đã có những cán bộ cao cấp bị khởi tố; những vụ đại án hàng nghìn tỷ đồng bị phanh phui. Là một người dân, là một đảng viên, một cán bộ quân đội đã về hưu, tôi thực sự tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước ta hiện nay”, ông Trần Đức Xán cho biết.

Tuy nhiên, ông Trần Đức Xán cho rằng, để làm tốt hơn và lấy lại hoàn toàn niềm tin trong nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước cần có những hành động quyết liệt hơn trong việc xử lý những cá nhân tham nhũng. Mặt khác, “phòng hơn chống”, để tiêu diệt tận gốc tham nhũng, lãng phí, chúng ta cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa ngăn ngừa tệ nạn này. Ông Xán hy vọng trong thời gian tới công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí sẽ tiếp tục đạt được những kết quả khả quan như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy.

Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, liên quan tới nhiều đối tượng đã được đưa ra ánh sáng và xét xử nghiêm minh. Trung tá Đăng Thị Phượng, cán bộ Quân y Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) cho rằng, việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội đối với những đối tượng vi phạm đã phần nào thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến “nói không với tham nhũng, tiêu cực, tha hóa”.

Đánh giá Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng lần này được tổ chức trong thời điểm phù hợp, giúp nhìn lại những kết quả đã thực hiện được trong thời gian qua, tạo đà hướng tới những giải pháp khắc phục tình trạng quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực vẫn đang diễn ra trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, Trung tá Đăng Thị Phượng khẳng định: “Tham nhũng, tiêu cực không chỉ là hành vi tham ô trong những dự án lớn, hay thiếu trách nhiệm làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước, mà còn thể hiện từ những biểu hiện nhỏ như thói cửa quyền, hạch sách nhân dân, cải cách thủ tục hành chính không thực chất, “nói không đi đôi với làm”. Những tiêu cực dù nhỏ nhất trong bộ máy Nhà nước cũng sẽ là “mầm mống” tạo điều kiện cho những hành vi sai trái phát sinh, thậm chí diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Qua theo dõi thông tin về Hội nghị, Trung tá Đăng Thị Phượng đánh giá cao những giải pháp đã được đề ra nhằm góp phần thực hiện quyết liệt, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng. Theo Trung tá Đăng Thị Phượng, một trong những việc cần làm ngay là nhanh chóng rà soát, gỡ bỏ các rào cản trong các quy định thiếu rõ ràng, không minh bạch đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

“Với sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét hơn nữa trong cuộc chiến không khoan nhượng với “kẻ thù nội bộ”, đem lại sự trong sạch cho bộ máy từ những giải pháp thiết thực, cụ thể, được thực hiện đồng bộ ở tất cả các ngành, từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở”, bà Phượng cho hay.

Phòng ngừa, ngăn chặn là giải pháp hàng đầu

Đánh giá về hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua, Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua mang tính tích cực và lan tỏa. Điểm tích cực được thể hiện qua quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của người lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Đây là quyết tâm chính trị mạnh mẽ, mang tính xuyên suốt, hợp lòng dân. Quyết tâm này đã được cụ thể hóa rất thiết thực trong thực tế với các vụ việc đã, đang và sẽ được các cơ quan pháp luật điều tra, truy tố, xét xử.

Thời gian qua, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị kết án, rất nhiều Bí thư, Chủ tịch tỉnh các địa phương bị kỷ luật cho thấy sự quyết liệt của Đảng, tạo sự lan tỏa trong công tác phòng, chống tham nhũng trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Luật sư Hà Huy Từ cho hay, có thể công tác phòng, chống tham nhũng đôi lúc, đôi chỗ chưa đáp ứng được kỳ vọng của một số người dân, nhưng sự tích cực và lan tỏa của công tác phòng, chống tham nhũng là cực kỳ cần thiết để ngọn lửa phòng, chống tham nhũng luôn rực cháy.

Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, Luật sư Hà Huy Từ cho rằng, bên cạnh việc phát hiện, xử lý, cần xây dựng giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, coi đó là giải pháp hàng đầu vì “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và phải “trị bệnh tận gốc”.

Theo Luật sư Hà Huy Từ, cần xây dựng các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; kiểm tra, thanh tra, sớm phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn tham nhũng; loại bỏ các đặc quyền, đặc lợi đối với cán bộ, ví dụ như hạn chế việc đi công tác nước ngoài không hiệu quả.

Bên cạnh đó, Luật sư Hà Huy Từ nhấn mạnh việc cần phải kiểm soát được quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, vì đó là những người có khả năng tham nhũng nhiều nhất. Luật sư Từ cho rằng, các giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ, tương hỗ với nhau, có như vậy mới phát huy tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Trọng Hiển, phường Xuân La, quận Tây Hồ, cho rằng nạn tham nhũng, lãng phí đang là một thách thức lớn, cản trở công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng được đưa ra xử lý nghiêm đã tạo niềm tin cho nhân dân trong công tác đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Ông Hiển đánh giá cao những nội dung, quyết tâm chính trị được thể hiện trong Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 26/6 vừa qua. Ông Hiển cho biết, ông và người dân trên địa bàn phường rất vui mừng và đặt trọn niềm tin vào Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Trọng Hiển cũng đề nghị, dựa trên những kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua, Đảng và Nhà nước cần đấu tranh mạnh hơn nữa, không có vùng cấm, không vị nể cá nhân và phải xử lý thật nghiêm trong tất cả các đối tượng tham nhũng.

"Việc phát hiện và đưa ra xét xử một số lãnh đạo cấp cao tham nhũng trong thời gian qua không chỉ thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy, mà còn tạo được niềm tin của đông đảo quần chúng nhân dân trên cả nước", ông Nguyễn Trọng Hiển chia sẻ.

PV (Theo TTXVN)
.
.
.