Thống nhất cao về ý chí và hành động chống tham nhũng, không sợ mất uy tín

Thứ Hai, 25/06/2018, 22:58
“Thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN, chiều 25-6.

Hội nghị diễn ra trong vòng 1 ngày, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (BCĐ). Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí thành viên BCĐ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chánh Văn phòng, Trưởng ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy...

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng BCĐ; Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng BCĐ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng BCĐ; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ.

Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác PCTN từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết: Từ sau Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2014, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến nay, công tác PCTN được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Tài liệu chắc đến đâu, xử lý đến đó”

Thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ về tập trung điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với phương châm “tài liệu chắc đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra, xử lý tiếp nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng”; các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã nỗ lực, cố gắng, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; một số địa phương đã chỉ đạo khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm minh cán bộ thuộc quyền quản lý có sai phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 bị cáo, với 11 án tử hình 20 án chung thân; 7 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm; 393 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm; cải tạo không giam giữ 7 bị cáo; cảnh cáo 2 bị cáo. Trong đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Điển hình là các vụ án: Vũ Quốc Hảo, Vũ Việt Hùng, Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Lê Dũng, Châu Thị Thu Nga, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh : TTXVN.

Không để vụ án kéo dài, gây dư luận phức tạp

Thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương và Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tham gia thảo luận tại hội nghị với chủ đề: Những kết quả nổi bật trong công tác khởi tố, điều tra, nhất là những kinh nghiệm hay trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ và trách nhiệm chính trị, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác điều tra phòng, chống tội phạm kinh tế và tham nhũng trong tình hình mới, Đảng uỷ Công an Trung ương đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng đấu tranh quyết liệt với tội phạm kinh tế và tham nhũng, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nổi bật là, đã phát hiện, điều tra số lượng lớn vụ án tham nhũng, kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, CQĐT các cấp trong CAND đã thụ lý điều tra 589 vụ, 1.412 bị can. Đáng chú ý là số vụ án khởi tố mới năm 2017 tăng 49,6% so với năm 2016; quý I-2018 tăng 33% số vụ, 18% số bị can so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó đã nâng cao tiến độ và chất lượng điều tra, nhất là các vụ án thuộc diện BCĐ Trung ương theo dõi, chỉ đạo, về cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án. Điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, vụ nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan đến Ngân hàng Đại Dương; vụ tổ chức đánh bạc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có liên quan đến cán bộ có chức, có quyền; vụ án Trần Thanh Bình, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á; đang điều tra vụ Phan Văn Anh Vũ với nhiều tội danh, liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp vi phạm.

“Việc nhanh chóng kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử và chuẩn bị đưa ra xét xử các vụ án nêu trên đã tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, được nhân dân đồng tình, ủng hộ” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được chú trọng và đạt được kết quả tốt hơn; đã thu hồi một lượng đáng kể tài sản cho Nhà nước. Trong năm 2017 các CQĐT đã thu hồi cho Nhà nước 21.500 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2016. Điển hình vụ Ngân hàng Đại Tín thu hồi và kê biên 10.000 tỷ đồng; vụ tổ chức đánh bạc do Công an tỉnh Phú Thọ điều tra đã thu hồi bước đầu hơn 1.000 tỷ đồng; kiến nghị Ngân hàng Hàng hải kịp thời thu hồi 7.300 tỷ đồng cho vay có dấu hiệu dễ bị thất thoát…

Công tác phối hợp liên ngành Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, công tác nội chính chặt chẽ hơn, giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ án điểm.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, qua thực tiễn công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, Đảng uỷ Công an Trung ương đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng: Việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là của BCĐ và cấp uỷ các cấp.

“Sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là BCĐ do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban với quyết tâm chính trị rất cao, tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ là chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan tư pháp trong đấu tranh PCTN” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Đồng thời, phải có quyết tâm chính trị cao, dám chịu trách nhiệm, xây dựng kế hoạch điều tra và các giải pháp, bước đi phù hợp theo đúng phương châm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là: “Làm từng bước vững chắc, kết luận điều tra từng phần, điều tra rõ đến đâu kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, không để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”.

Những vấn đề phức tạp khác cần có thời gian thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ sẽ được tiếp tục điều tra mở rộng và được điều tra xử lý trong các giai đoạn tiếp theo của vụ án. Không vì lý do vướng mắc về áp dụng pháp luật và phối hợp trong hoạt động tư pháp mà để vụ án kéo dài hoặc gây dư luận phức tạp.

* Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực: Để thực hiện và triển khai tốt nhiệm vụ công tác PCTN, lãng phí, theo tôi cần thể chế hiệu quả hơn và có sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội, trong đó vai trò của nhân dân cần được phát huy mạnh mẽ hơn, như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư về công tác PCTN, muốn thành công, hiệu quả cao phải có sự tham gia tích cực của nhân dân.

Về dự án Luật PCTN (sửa đổi), cần giải quyết thấu đáo những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra với cơ chế rõ rệt, đủ mạnh, để khắc phục những bất cập, hạn chế của công tác PCTN trong thời gian qua, làm sao để nhân dân thấy được kết quả đột phá từ công tác này. Và cơ chế nào để bảo vệ người tố cáo tham nhũng? Cơ chế vinh danh, khen thưởng? đều là những nội dung hết sức thiết thực, cần được kịp thời, hoàn thiện cơ chế.

Để người dân không “đơn độc” và hệ thống chính trị không “độc thoại” trong công tác này và hơn bao giờ hết, chúng tôi ý thức được vai trò, trách nhiệm “cầu nối” của MTTQ Việt Nam cần phải được phát huy tốt hơn.

* Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thời gian qua, công tác PCTN trong Quân đội nhất quán và thể hiện quyết tâm chính trị cao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong Quân đội kịp thời khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa hiệu quả. Điển hình là các vụ án lớn: Đinh Ngọc Hệ, Nguyễn Văn An, vụ Công ty 636…

Do đó, tình hình Quân đội ổn định, nhiều mặt tốt lên, sức chiến đấu ngày càng được nâng cao, trình độ sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu với cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân. Về kinh nghiệm rút ra, theo tôi phải có quyết tâm chính trị cao và phải biến quyết tâm thành hành động cụ thể của người chỉ huy, cấp ủy lãnh đạo. Coi đấu tranh PCTN là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của cấp ủy chỉ huy các cấp.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ chỉ huy các cấp đối với công tác PCTN; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm, tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện tham nhũng, điều tra xét xử nghiêm minh các hành vi tham nhũng; phát huy hiệu quả của các tổ chức quần chúng trong phát hiện, xử lý tham nhũng…

Bảo Quân

Quỳnh Vinh
.
.
.