Nâng cao tính chiến đấu của báo Đảng địa phương trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, tiêu cực

Chủ Nhật, 05/08/2018, 08:11
Ngày 4-8, tại thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh), Báo Bắc Ninh đăng cai tổ chức hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 26 với chủ đề “Tuyên truyền đấu tranh chống các quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội, nâng cao tính chiến đấu của Báo Đảng địa phương”.

Tham dự hội thảo có đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cùng đại biểu 27 cơ quan báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hồ Quang Lợi đánh giá cao chủ đề hội thảo "Tuyên truyền đấu tranh chống quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội, nâng cao tính chiến đấu của báo Đảng địa phương". Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Đây là việc làm thiết thực để báo chí, nhất là báo Đảng của các địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, từ đó nâng cao tính chiến đấu của báo Đảng địa phương.

Để nâng cao tính chiến đấu của báo Đảng địa phương, phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xã hội, chống các quan điểm sai trái, đồng chí Hồ Quang Lợi yêu cầu báo Đảng địa phương xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Bên cạnh đó, các cấp ủy chính quyền, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần thống nhất một cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trách nhiệm, hợp lý, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống các quan điểm sai trái một cách thuận lợi, hiệu quả và an toàn.

Ngoài ra, cần có cơ chế cho cơ quan báo chí theo dõi quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân khi họ đã cung cấp thông tin cho báo chí vào cuộc; tạo hành lang pháp lý an toàn cho nhà báo viết về lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống các quan điểm sai trái. Đồng thời, có các hình thức khen thưởng xứng đáng với nhà báo có thành tích viết về lĩnh vực này.

Cũng tại hội thảo, đại diện 27 cơ quan báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác tuyên truyền; nêu bật vai trò, trách nhiệm của báo chí trong việc tuyên truyền đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phê phán âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Theo đó, báo Đảng địa phương đã tập trung tuyên truyền đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững định hướng tư tưởng, nâng cao cảnh giác cách mạng, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội của báo Đảng địa phương vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; chưa tương xứng với vai trò, vị thế của báo chí cách mạng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Các tham luận tại hội thảo cho rằng, để nâng cao tính chiến đấu của báo Đảng địa phương, các cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới, thông tin nhanh, chính xác, đa dạng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí trong việc trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Lãnh đạo cơ quan báo chí cần xử lý thông tin kịp thời, chính xác và có định hướng để phóng viên tác nghiệp, tránh việc cẩn thận quá mức để thông tin “thiếu tính thời sự”.

Mỗi nhà báo phải có quan điểm, lập trường vững vàng, không ngừng học hỏi, bổ sung kiến thức để có tư duy sâu sắc về các vấn đề xã hội; có bài viết để định hướng báo mạng; chủ động tham gia viết bài để định hướng thông tin và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái trên mạng xã hội...

Diệp Trương
.
.
.