Số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại

Thứ Tư, 27/05/2020, 09:18

Hôm nay, 27/5, Quốc hội dành một ngày để thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.


73,85% trẻ em bị xâm hại tình dục

Theo báo cáo, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ). 

Trong đó: Xâm hại tình dục: 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại; bạo lực trẻ em: 857 trẻ em (giết trẻ em: 191 trẻ, cố ý gây thương tích: 666 trẻ), chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em: 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ em bị xâm hại;

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Các hình thức xâm hại khác: 1.314 trẻ em, chiếm  15,09% tổng số trẻ em bị xâm hại, gồm các hành vi như hành hạ trẻ em; sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm trẻ em; đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp trẻ em vi phạm pháp luật; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy đối với trẻ em…

Đoàn giám sát nhận thấy, số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2011-2014 là 7.211 trẻ em; số trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2015-2018 là 7.309 trẻ em, tăng 98 trẻ em bị xâm hại. Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

"Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.

Các đại biểu dự họp tại hội trường.

Trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được Công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Trong đó 2.191 trẻ bị hiếp dâm, 31 trẻ bị cưỡng dâm, 1.096 bị dâm ô, 3.114 trẻ bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại (Hậu Giang 97,4%; Kiên Giang 95,5%, Đồng Nai 94,2%). Bạo lực trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng, trong đó 857 trẻ em là nạn nhân, chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.

Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau; nhiều đối tượng xâm hại lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn…

95% đối tượng xâm hại trẻ em là nam giới

Về đối tượng xâm hại trẻ em, theo Báo cáo của Chính phủ thì đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, có cả đối tượng là người lạ và người quen biết với trẻ, có người thân thích trong gia đình; giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ hưu trí, người cao tuổi… Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là nam giới, chiếm trên 95%.

Toàn cảnh hội trường.

Qua giám sát cho thấy, thời gian gần đây tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng xâm hại trẻ em và có xu hướng gia tăng: Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu 97,29%, tỉnh Phú Thọ 97%, tỉnh Cà Mau 95,9% … Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính…

Cũng qua giám sát, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em đã xảy ra ở 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, đặc biệt khó khăn, mà tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cũng đang có xu hướng gia tăng. TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước.

Xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều vụ xảy ra tại nơi vắng vẻ, ít người qua lại, nơi kín đáo, biệt lập. Nhiều vụ xảy ra ngay tại gia đình gia đình người thân, người quen, họ hàng, hàng xóm. Xâm hại trẻ em còn xảy ra tại khu vực công cộng, nơi vui chơi của trẻ như: cơ sở giáo dục, cơ sở trông giữ trẻ, cơ sở bảo trợ xã hội, điểm sinh hoạt, điểm vui chơi của trẻ em, cầu thang máy chung cư…

Theo Báo cáo của Chính phủ và tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong giai đoạn từ 2015 đến tháng 6/2019 đáng lưu ý có: 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại;  418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật; 180 trẻ phải bỏ học.


Quỳnh Vinh
.
.
.