Phát trực tiếp phiên thảo luận tại Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em

Chủ Nhật, 24/05/2020, 17:06
Tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 9 (từ 25/5-28/5), Quốc hội khoá XIV, Quốc hội tập trung cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, nhiều nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét trong tuần làm việc.

Quốc hội sẽ dành cả ngày 27/5 để thảo luận trực tuyến Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp quan trọng này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Quốc hội sẽ nghe trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận, cho ý kiến các dự án: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Quốc hội thảo luận nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đọc tờ trình Luật Cư trú (sửa đổi).

Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Quốc hội cũng sẽ nghe Tờ trình và thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Trước đó, tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9, Quốc hội họp trực tuyến từ đầu cầu Nhà Quốc hội tới 63 điểm cầu của các đoàn ĐBQH ở các tỉnh, thành phố. Đây là lần đầu tiên kỳ họp Quốc hội trực tuyến diễn ra liên tục nhiều ngày. Mặc dù vậy, ngay trong tuần làm việc đầu tiên, chương trình nghị sự vẫn bảo đảm đầy đủ những nội dung quan trọng đã được đề ra.

Dù việc Quốc hội không họp tập trung có những hạn chế về sự trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đại biểu, song có thể thấy chất lượng các buổi họp vẫn đảm bảo. Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến trực tuyến từ các đầu cầu Đoàn ĐBQH ở các tỉnh, thành phố, không khí tranh luận tại các phiên thảo luận về các dự án luật sôi nổi không kém các phiên họp trực tiếp tại Nhà Diên Hồng.

Ngay trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã xem xét nhiều nội dung quan trọng của đất  nước, những vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19.

Một điểm đáng chú ý khác là ngay trong phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn, giảm các loại thuế để giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ ngay những khó khăn trước mắt và phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh;

Xem xét các mục tiêu tăng trưởng, chi tiêu ngân sách để có giải pháp điều chỉnh, thúc đẩy nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định của nền kinh tế, xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020 nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19…

Đây là những biện pháp cần thiết nhằm chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”: vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội

Trong công tác lập pháp, Quốc hội cũng đã thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đặc biệt, khi thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, một lần nữa, câu chuyện về đảm bảo chất lượng của các dự án luật lại được nêu lên. Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, tính kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật vẫn chưa được thực hiện đầy đủ...

Phương Thuỷ
.
.
.