Bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân
- Đồng ý đưa Luật cư trú (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV
- Cần thiết phải sửa đổi Luật cư trú để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân
- Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
Sáng 23/5, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày tờ trình Luật Cư trú (sửa đổi).
Đảm bảo tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân. Việc sửa đổi Luật Cư trú là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú.
Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, xây dựng Luật Cư trú nhằm bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Đổi mới hình thức quản lý cư trú trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý cư trú, bảo đảm tính khoa học, công khai, minh bạch và thuận tiện cho đăng ký, quản lý cư trú…
Về bố cục dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 43 điều (tăng 1 chương (Chương III – Nơi cư trú) và tăng 1 điều so với Luật Cư trú hiện hành; trong đó, bổ sung 12 điều, bỏ 8 điều, chỉnh lý 24 điều)
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) |
Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.
Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho Nhân dân.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, Sổ Hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ Hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ Hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu tại Luật Cư trú hiện hành. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú; trách nhiệm xuất trình Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu…
Nội dung sửa đổi, bổ sung thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú theo hướng: Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo bằng văn bản cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin về nơi thường trú, tạm trú của họ vào các cơ sở dữ liệu này mà không cấp Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy.
Bãi bỏ 1 phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.
Cụ thể, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ toàn bộ các thủ tục về: Cấp đổi Sổ Hộ khẩu; Cấp lại Sổ Hộ khẩu; Cấp giấy chuyển hộ khẩu; Cấp đổi Sổ Tạm trú; Cấp lại Sổ Tạm trú; Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Tạm trú; Gia hạn tạm trú.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các thủ tục: Tách Sổ Hộ khẩu (được xác định theo hướng đây là việc tách hộ gia đình và được thực hiện bằng việc điều chỉnh, cập nhật trường thông tin về chủ hộ, quan hệ với chủ hộ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú); Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu; Xóa đăng ký thường trú khi công dân đăng ký nơi thường trú mới (việc làm này do Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú tự thực hiện khi cập nhật, điều chỉnh thông tin về nơi cư trú của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú); Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; Hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú trái pháp luật.
Các đại biểu tại Hội trường Quốc hội |
Đề nghị bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương so với đăng ký thường trú vào tỉnh.
“Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn rất cao. Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương và dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.
4 trường hợp bổ sung xóa đăng ký thường trú là gì?
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú; trong đó còn trường hợp có ý kiến khác nhau là: “Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài”.
“Việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú này để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú, cũng như giúp Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn quản lý được chính xác, chặt chẽ hơn; quy định này chỉ áp dụng đối với người không khai báo, nếu công dân có khai báo thì sẽ không bị xóa đăng ký thường trú. Việc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này không có nghĩa là xóa toàn bộ thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà tất cả thông tin khác của công dân trong 2 cơ sở dữ liệu này vẫn được lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng như bình thường” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định công dân được đăng ký lại nơi thường trú ban đầu khi trở về địa phương sinh sống. Việc xác định thời điểm 12 tháng liên tục vắng mặt tại nơi thường trú của công dân được thực hiện qua công tác kiểm tra về cư trú của Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, đã có quy định cụ thể về việc khai báo của công dân trong trường hợp này tại khoản 3 Điều 32 dự thảo Luật nhằm tạo thuận lợi tối đa cho công dân (như khai báo qua mạng, qua điện thoại, qua khai báo trực tiếp).
Trước đây, tại Nghị định số 51-CP ngày 10/5/1997 của Chính phủ cũng có quy định người đi vắng khỏi nơi đã đăng ký hộ khẩu thường trú quá 6 tháng mà không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng sẽ bị xóa tên trong Sổ Hộ khẩu; khi trở lại phải khai xin đăng ký lại hộ khẩu thường trú theo quy định.