Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi như thế nào?

Thứ Hai, 30/12/2019, 08:32
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.

Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức với 6 nội dung như sau:

1. Về đối tượng là công chức và áp dụng quy định của Luật Cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác: - Không quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước đồng thời quy định chuyển tiếp đối với công chức trong các đơn vị sự nghiệp tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ.

- Không quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; giao Chính phủ quy định chi tiết chế độ quản lý, sử dụng đối với đối tượng này trong doanh nghiệp nhà nước.

- Bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước 1-7-2020) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm; gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

2. Về chính sách trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vu : Giao Chính phủ quy định khung chính sách, trên cơ sở đó phân cấp cho người đứng đầu, cơ quan Trung ương quyết định và HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

3. Về tuyển dụng công chức: - Bổ sung đối tượng xét tuyển đối với người học theo chế độ cử tuyển, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ tài năng (ngoài đối tượng cam kết làm việc 5 năm trở lên ở vùng đặc biệt khó khăn).

- Bổ sung và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, đảm bảo công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu qua.ã

- Bổ sung và quy định rõ các đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức từ cấp huyện trở lên đối với viên chức, cán bộ và công chức cấp xã, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, người làm công tác cơ yếu, người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước và người đã từng là cán bộ, công chức.

4. Về nâng ngạch công chức: Bổ sung quy định “xét nâng ngạch” đối với 2 trường hợp có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong suốt thời gian giữ ngạch hiện giữ và được bổ nhiệm chức vụ gắn với yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn ngạch hiện giữ đồng thời giao chính phủ quy định thẩm quyền tổ chức thi, xét nâng ngạch cho phù hợp.

5. Về đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức: Sửa cụm từ “phân loại đánh giá” thành “xếp loại chất lượng” và bỏ cụm từ “nhưng còn hạn chế về năng lực” trong mức “hoàn thành nhiệm vụ” đối với cán bộ, công chức để thống nhất với quy định của Đảng. Bổ sung nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Đối với công chức lãnh đạo, quản lý còn phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và không cao hơn mức xếp loại của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách; người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có thẩm quyền quy định cụ thể việc đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc.

6. Về kỷ luật cán bộ, công chức: Quy định 3 loại thời hiệu xử lý kỷ luật: 2 năm, 5 năm và các trường hợp không áp dụng thời hiệu. Nâng thời hạn xử lý kỷ luật lên 90 ngày và 150 ngày; bổ sung quy định thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật. Quy định rõ việc bổ nhiệm khi bị kỷ luật (không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng nếu bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương; không bổ nhiệm chức vụ trong thời hạn 24 tháng nếu bị kỷ luật giáng chức, cách chức).

Ngoài các nội dung nêu trên, còn thay thế và bỏ một số cụm từ trong các điều khoản của Luật cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của văn bản pháp luật.                  

Ban KT-PL
.
.
.