Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Bảo tàng Báo chí

Thứ Tư, 16/08/2017, 14:56

Ngày 16-8, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam.


Dự buổi lễ có đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam qua các thế hệ; các nhà báo lão thành cách mạng và đông đảo lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao quyết định của Thủ tướng thành lập Bảo tàng Báo chí cho đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Cách đây 152 năm, vào giữa tháng 4-1865, “Gia Định báo” - tờ báo giấy đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ đã ra mắt công chúng. 60 năm sau, vào ngày 21-6-1925, báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xuất bản số đầu tiên và khai sinh nền báo chí cách mạng.

Ngay từ những năm đầu xuất hiện, báo chí Việt Nam đã sớm có một vị thế đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trong lịch sử dân tộc, trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén đấu tranh chống sự nô dịch của đế quốc, thực dân, góp phần trực tiếp và to lớn trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc…

Đồng chí Hồ Quang Lợi trao giấy chứng nhận tiếp nhận hiện vật hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, có gần 600 nhà báo liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mồ hôi và máu của họ vẫn đỏ thắm trên từng trang báo, từng thước phim tư liệu để lại...

Bên cạnh đó là tấm gương của những người làm báo xuất sắc, đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước hôm nay...

Đồng chí Hồ Quang Lợi trao giấy chứng nhận tiếp nhận hiện vật 4 bức tượng bằng đồng của chân dung 4 nhà báo liệt sĩ.

Vì vậy, những di sản báo chí Việt Nam với 152 năm ra đời và phát triển, cần được lưu giữ một cách có hệ thống, khoa học; cần được nghiên cứu và khai thác, phát huy một cách tích cực, hiệu quả. Đây là nguyện vọng, là mong mỏi, là tâm huyết và quyết tâm nhiều năm nay của Hội Nhà báo Việt Nam cũng như của các nhà báo, các cộng tác viên và đông đảo công chúng báo chí trên cả nước.

Đồng chí Hồ Quang Lợi khẳng định, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phải có trách nhiệm sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp và giới thiệu trong các nội dung trưng bày của mình những hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho một nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ.

Đồng chí Thuận Hữu và các đại biểu tham quan khu trưng bày hiện vật của Bảo tàng Báo chí.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam phải chuyển tải được một cách sinh động, hấp dẫn hiệu quả những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, là lời kêu gọi, nhắc nhớ các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà.

Tờ "Tin Công an nhân dân vũ trang"xuất bản ngày 22-4-1959
và "Tin Công an Vũ trang" xuất bản ngày 15-8-1960 được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ tham gia vào đời sống báo chí trong nước, mà còn phải nắm bắt, theo kịp đời sống báo chí các nước; từ đó tạo lập được một diện mạo riêng trên bản đồ bảo tàng Việt Nam và quốc tế...

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Bảo tàng Báo chí cho đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao quyết định bổ nhiệm giám đốc Bảo tàng Báo chí; tiếp nhận và trao giấy chứng nhận cho các tập thể, cá nhân hiến tặng các hiện vật cho Bảo tàng Báo chí…
Cảnh Vũ
.
.
.