Những hiện vật làm nên sức sống cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Chủ Nhật, 13/03/2016, 19:09
Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc lần thứ I, chiều 13-3, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ hiến tặng hiện vật Bảo tàng Báo chí Việt Nam với sự tham dự của đông đảo các nhà báo, đại diện gia đình nhà báo, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội…
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước hiến tặng số báo ANTG và một số tác phẩm của ông.

Được Chính phủ phê duyệt ngày 21/8/2014, Dự án Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đáp ứng mong mỏi của các thế hệ nhà báo, nhận được sự hưởng ứng tích cực của báo giới nói riêng và toàn xã hội nói chung. Trong chưa đầy hai năm, Ban Quản lý Dự án Bảo tàng Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam đã sưu tầm, thu nhận được hàng nghìn hiện vật quý giá, chủ yếu từ sự tự nguyện hiến tặng của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cơ quan báo chí và tổ chức xã hội khác.

Con gái nhà báo Đỗ Đức Dục hiến tặng những bức ảnh về ông.

Ở lần tiếp nhận thứ 4 này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp tục nhận được hàng chục hiện vật quý, như bức tượng Bác Hồ đọc báo Nhân dân do Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó Trưởng ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng; bộ quần áo ký giả được nhà thơ, nhà báo, nhà cách mạng, nhà ngoại giao Xuân Thuỷ sử dụng những năm 60 do bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội, con gái đồng chí trao tặng; những bức ảnh về nhà văn, nhà báo Đỗ Đức Dục, Đại biểu Quốc hội khoá I, nguyên Phó Chủ tịch Đoàn Báo chí Việt Nam năm 1945, Giám đốc Trường Báo chí Kháng chiến Huỳnh Thúc Kháng – cơ sở đào tạo báo chí chính quy đầu tiên, người có công lao xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam ngay từ những ngày đầu…

Nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung hiến tặng báo Cứu Quốc và những tấm ảnh.

Đến dự buổi lễ với tấm lòng của một người bạn thân thiết đối với báo giới, nhà ngoại giao Phan Thuý Thanh, nguyên người phát ngôn Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Châu Âu đã gửi tặng một số bức ảnh quý về các nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại Việt Nam, trong đó có bức ảnh về phóng viên Nhật Bản đã hy sinh khi đưa tin về chiến tranh biên giới phía Bắc.

Nhà ngoại giao Phan Thuý Thanh và một số bức ảnh quý về các nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại Việt Nam.

Một trong ba nữ học sinh của Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng là nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô hiến tặng 2 bức ảnh và tờ báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày lễ bế mạc lớp, năm 1979.

Đặc biệt, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước đã gửi tặng một số báo ANTG và một số tác phẩm của ông. “Tôi xin gửi tặng bảo tàng số báo ANTG, tờ báo vừa ra thị trường thì đã bị tịch thu nhưng sau đó số lượng phát hành lên tới 98 vạn bản - số lượng phát hành lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam”, Trung tướng Nguyễn Hữu Ước chia sẻ.

Nhà báo Phan Khắc Hiền hiến tặng những kỷ vật thời ở chiến trường.

Nhà báo Phan Khắc Hải, nguyên phóng viên Báo Quân Giải phóng, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ Văn hoá thông tin với Giấy chứng minh đi B năm 1960 và tấm võng dù được phát năm 1967 tại chiến trường Trị Thiên B9; nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Huyến – Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam với các bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Liên Xô và những cuốn báo ảnh Việt Nam xuất bản tại nước ngoài; Đại tá Nguyễn Hoà Văn, Cục Phó Chính trị Bộ Tư lệnh Biên phòng, Tổng Biên tập Báo Biên phòng với bức trướng và các bộ phim tài liệu về đề tài biên giới hải đảo mà ông và các đồng nghiệp của mình đã dày công hoàn thành… cũng đã góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng cho các hiện vật sẽ được trình bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong tương lai.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Huyến và bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Liên Xô.

Có mặt ở lễ hiến tặng, chứng kiến những hiện vật, kỷ vật gắn liền với cuộc đời và nghề nghiệp của các nhà báo, hay được nghe kể về nguồn gốc xuất xứ của các hiện vật ấy mới thấy thêm yêu và trân trọng nghề báo. Và thấy được tình cảm sâu sắc của bạn đọc dành cho các nhà báo, khi sự nghiệp xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã thu hút sự quan tâm, đóng góp của rất nhiều tầng lớp trong xã hội.

Nhà quay phim Nguyễn Thành Thái, phóng viên điện ảnh quân đội với chiếc máy quay phim Liên Xô được ông sử dụng từ những năm 1967.

Bày tỏ cảm kích trước sự có mặt của đại diện lãnh đạo các cơ quan đơn vị, các nhà báo tiêu biểu, các gia đình nhà báo đã quan tâm, chung sức, chung lòng xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, hiến tặng những hiện vật quý giá, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cũng kêu gọi toàn thể các nhà báo, gia đình và thân nhân nhà báo; các Hội nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí, các nhà sưu tầm hãy hiến tặng cho bảo tàng những hiện vật gắn bó với cuộc đời hoạt động của mình, mang dấu ấn lịch sử và có ý nghĩa giáo dục, thể hiện được quá trình lịch sử vẻ vang của nền báo chí Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi và các đại biểu tại lễ hiến tặng hiện vật.

“Đó là những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ vẻ vang, là lời kêu gọi, nhắc nhở các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh, tiếp tục xây đắp truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như góp phần làm nên sức sống của Bảo tàng Báo chí Việt Nam” – đồng chí Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Quỳnh Vinh
.
.
.