1.400 tư liệu, hiện vật được hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Thứ Bảy, 18/03/2017, 15:54

Ngày 18-3, lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã diễn ra tại trụ sở Hội nhà báo Việt Nam, Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm nhà báo, thân nhân của các nhà báo trên cả nước. Gần 1.400 hiện vật, tư liệu quý, độc đáo cũng đã được trao tặng cho Bảo tàng.



Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết,  lịch sử 150 năm báo chí Việt Nam ngay từ khi xuất hiện đã có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam; có đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển quốc ngữ, chấn hưng văn hóa và là vũ khí tư tưởng sắc bén đấu tranh chống sự nô dịch của đế quốc, thực dân. 

Báo chí góp phần trực tiếp và to lớn trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc; làm tốt vai trò người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể và phản biện xã hội thúc đẩy dân chủ, tiến bộ xã hội... 

Nhà báo chiến trường Nguyễn Trần Thiết trao tặng máy ảnh của ông cho Bảo tàng

Hai cuộc kháng chiến đã hình thành một đội ngũ nhà báo – chiến sĩ, luôn có mặt ở những điểm nóng bỏng nhất của tiền tuyến cũng như hậu phương. Hàng trăm nhà báo đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, trong khi đang tác nghiệp. 

Trong vùng tạm chiếm đóng của địch, các nhà báo, tờ báo tiến bộ cũng đã có những đóng góp hết sức xứng đáng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lịch sử báo chí Việt Nam là một lịch sử hết sức vẻ vang, cần được lưu giữ mãi cho đời sau.

Ngày 21-8-2014, đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt và Bảo tàng được bổ sung vào hệ thống Bảo tàng quốc gia. Ngày 10-3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn xác nhận Bảo tàng Báo chí Việt Nam đủ tiêu chuẩn thành lập theo luật định. 

Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng vừa ký tờ trình và gửi hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính Phủ xem xét quyết định thành lập Bảo tàng.

Phục vụ việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã triển khai 5 cuộc phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Miền Trung và Tây Nguyên và tiếp nhận gần 13.000 tư liệu hiện vật. Đây là lần thứ 6, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động hiến tặng hiện vật cho bảo tàng. 

Nhà báo, nhạc sĩ Dân Huyền trao tặng hiện vật cho ban tổ chức

Ngay tại lễ phát động, ban tổ chức đã tiếp nhận gần 1.400 hiện vật, tư liệu, trong đó có rất nhiều hiện vật quý của các nhà báo, thân nhân của các nhà báo cả nước trao tặng. 

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Trần Thiết một trong những người đầu tiên phỏng vấn Tổng thống Dương Văn Minh ngay sau khi chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện đã trao tặng một số sách, tập lưu báo cắt dán, một số tư liệu ảnh và chiếc máy ảnh là phần thưởng giải Nhất một cuộc thi báo chí cho loạt bài điều tra vụ án tên gián điệp Võ Đại Tôn trên báo Quân đội Nhân dân. 

Nhà báo Hồ Quang Lợi tiếp nhận bức tượng về nữ chủ bút báo đầu tiên của Việt Nam - bà Sương Nguyệt Anh

Nhà báo Nguyễn Bé, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đại diện cho ông Mai Văn Bé trao tặng bức tượng đầu tiên về nữ chủ báo đầu tiên của báo chí Việt Nam, Sương Nguyệt Anh – con gái nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Tổng Biên tập tờ Nữ giới chung. 

Nhà báo, nhạc sĩ Dân Huyền trao tặng giấy dự thính báo chí các phiên họp toàn thể Quốc hội năm 1976, 3 bài báo ông viết về người tốt, việc tốt được Bác Hồ đọc và trao tặng huy hiệu cho nhân vật trong bài...

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, ông Hồ Quang Lợi khẳng định: Những hiện vật, tư liệu mà các nhà báo và thân nhân nhà báo hiến tặng đã cho thấy một phần lịch sử vinh quang và oanh liệt của đất nước trong chiến đấu và lao động sáng tạo. 

Đây cũng chính là những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, là lời kêu gọi, nhắc nhở các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh, xây đắp truyền thống của báo chí nước nhà. Các kỷ vật này không chỉ giúp làm giàu kho tư liệu của Bảo tàng Báo chí Việt Nam mà còn góp phần quan trọng làm nên sức sống, sự sinh động, phong phú của bảo tàng... 


N.Hoa
.
.
.