Lấy người nộp thuế làm trung tâm, quan tâm bảo vệ quyền lợi người nộp thuế
- Các giải pháp trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2018
- Ban hành chính sách phải quan tâm tới quyền lợi của người nộp thuế
- Doanh nghiệp chây ì nộp thuế sẽ bị rút giấy phép kinh doanh
Năm 2017, ngành Thuế là đã ghi dấu nhiều kỷ lục với kết quả thu ngân sách đạt 1.019.041 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, tăng 11,5% so với năm 2016, xác lập đỉnh cao mới trong công tác huy động nguồn lực nội địa, góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước; chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc, từ xếp hạng vị trí 167 lên xếp hạng vị trí 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ; 99,71% số doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước…
Báo cáo của ngành Thuế cho thấy năm 2017 có trên 126.700 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có trên 67.400 doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh, gần 22 nghìn doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh. Đến thời điểm này cả nước có trên 639 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, và về cơ bản chấp hành tốt việc kê khai nộp thuế.
Tổng cục Thuế đã tiến hành trên 103 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, và giúp tăng thu 19 nghìn tỷ đồng. Thu nợ đọng thuế được gần 44.800 tỷ đồng, đạt 60% so với tổng số thuế nợ tính đến cuối năm ngoái. Ngành thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục duy trì tốt dịch vụ kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Toàn ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, tập trung triển khai thực hiện chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp”, đã giải đáp cho hơn 295 ngàn lượt vướng mắc cho người nộp thuế bằng nhiều hình thức; tổ chức 1.420 buổi đối thoại cho hơn 98.000 lượt doanh nghiệp...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò của ngành Thuế trong tiêu chí đánh giá công bằng văn minh xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, cải cách chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế chính là một yếu tố quan trọng trong môi trường kinh doanh nước ta.
Do đó, vai trò của ngành thuế rất quan trọng trong thực hiện Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động mà Chính phủ thực hiện. Với “kỷ lục” lần đầu tiên thu ngân sách sách đạt một triệu tỷ, vượt dự toán 5,9%, ngành thuế đã đóng góp quan trọng cho bội chi ngân sách dưới mức so với quốc hội giao, nâng quy mô thị trường vốn 103,4% GDP. “Việc cân đối được tài chính ngân sách tạo niềm tin rất tốt cho các nhà đầu tư”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngành Thuế. |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại của ngành Thuế cần phải khắc phục. Theo đó, thể chế, cải cách hành chính tuy có tiến bộ nhưng chuyển biến chậm, thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn cho người nộp thuế và kinh doanh. Đáng chú ý, nhiều năm vừa qua, chính sách thuế thay đổi quá nhanh, nhiều, dẫn đến nhiều hệ luỵ cho người dân và doanh nghiệp. Chính sách thuế vẫn còn theo tư duy có lợi cho cơ quan nhà nước, chưa hướng đến bảo vệ quyền lợi người nộp thuế.
Thủ tướng nhắc nhở về những tiêu cực xảy ra trong ngành thuế mà dư luận phản ánh. Ngoài ra, tình trạng chây ì nợ đọng thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra, dẫn đến thất thu thuế, giảm tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Cơ chế kiểm soát hoá đơn còn nhiều kẽ hở nên nhiều doanh nghiệp trốn thuế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế đã có tiến bộ nhưng còn chậm; hoá đơn điện tử còn thấp trong khi kê khai điện tử gần 100%. Đồng thời, chính sách thuế hiện còn tư duy theo hướng coi trọng tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế.
“Hoàn toàn có thể mở rộng cơ sở thuế theo những hình thức mới như du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng, kinh tế chia sẻ... Chúng ta còn lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý khai thác các nguồn thu này” Thủ tướng chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho ngành Thuế năm 2018 phải giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%, phấn đấu tăng thu 5%, đơn giản hoá 50% thủ tục và cắt giảm hơn 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh cơ cấu ngân sách Nhà nước, tăng dần thu nội địa lên cũng như tăng cường hiệu quả đầu tư công. Muốn vậy, ngành Thuế phải tiếp tục hiện đại hoá ngành thuế, thực hiện cải cách thuế, nghiên cứu chiến lược cải cách thuế ở giai đoạn tiếp theo; nâng cao chất lượng năng lực ngành thuế. thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển, đào tạo cán bộ, đảm bảo tính minh bạch. Cần xác định chính sách thuế lấy người nộp thuế là trung tâm, quan tâm bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, khi thiết kế chính sách thuế, cần mở rộng cơ sở thuế.
Thủ tướng cũng đề nghị sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ bảo vệ quyền lợi người nộp thuế. Ngoài ra ngành thuế cần phải nâng cao năng lực dự báo đánh giá tác động của chính sách thuế, chuẩn hoá cơ sở dữ liệu thuế; thường xuyên đối thoại với người nộp thuế…