Ban hành chính sách phải quan tâm tới quyền lợi của người nộp thuế

Thứ Ba, 09/01/2018, 08:14
Ngày 8-1, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018 của Bộ Tài chính ngày 8-1.


Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết: đến hết 31-12-2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so với dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so với GDP; trong đó, thuế phí đạt 21% GDP.

Về chi NSNN, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách. Bội chi NSNN năm 2017 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định - 174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48% GDP thực hiện. Trên cơ sở kết quả thu và cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai và sử dụng nguồn lực tại chỗ theo quy định, cân đối NSTW và các địa phương cơ bản được đảm bảo.

Tình hình nợ công đã được cải thiện rõ nét khi nợ công Việt Nam tính tới 31-12-2017 ước khoảng 61,3% GDP, thấp hơn con số được ước tính trước đó. Trước đó, báo cáo về tình hình nợ công gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa 14, Chính phủ đã dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công có thể ở mức 62,6% GDP.

Thu ngân sách năm 2017 đã đạt được những kết quả khả quan.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực, những thành tích của ngành tài chính đã đạt được. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm của ngành rất nặng nề, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Chính sách tài chính cần chủ động để khắc phục những khiếm khuyết của một nền kinh tế bước đầu vào kinh tế thị trường. Bộ Tài chính không chỉ là bộ quản lý tiền bạc, mà chính sách, công cụ tài chính phải thúc đẩy sự phát triển, chống tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng nêu thực trạng chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Có doanh nghiệp cố tình vi phạm nhưng cũng có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh, là lỗi từ phía cơ quan nhà nước.

“Những thay đổi nhanh như thế chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế đời sống, thiếu phản biện, lắng nghe. Cần khắc phục vấn đề này. Chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài, từ 5 – 10 năm”- Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng thực tế là chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước; quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm bảo vệ.

Đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận. Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.

Một vấn đề nữa, theo Thủ tướng, định hướng cơ chế về NSNN hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook…

Đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Do vậy, quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo Thủ tướng, bài toán cân đối NSNN chưa vững chắc, chi NS còn tình trạng khập khiễng, chi thường xuyên năm nào cũng vượt dự toán, thậm chí có xu hướng tăng lên, chi đầu tư phát triển đã có tăng nhưng chưa tương xứng. Công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công... và yêu cầu ngành Tài chính khắc phục tình trạng này.

Một vấn đề lớn nữa, theo Thủ tướng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính vẫn đáng lo ngại.  Thủ tướng cũng nhắc lại vụ việc mất tích 213 container tại cảng TP. Hồ Chí Minh hay cán bộ trong ngành tại An Giang tiếp tay doanh nghiệp gian lận hàng trăm tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.

“Cần phải có biện pháp mạnh mẽ dẹp bỏ tình trạng trên. Phát huy phong trào Doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn. Bộ Tài chính cũng cần đưa ra thông điệp: Cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì. Xử lý nghiêm công chức hư hỏng trong đó bao gồm cả việc đưa ra khỏi ngành” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Toàn ngành tài chính phải chú ý công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và công tác cán bộ triển khai minh bạch, chủ động, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”.

Lệ Thúy
.
.
.