Hải Phòng, Quảng Ninh “căng mình” ứng phó với bão số 2
- Công an tỉnh Nam Định phòng chống bão số 2
- Ảnh hưởng bão số 2, các tỉnh Bắc Bộ có mưa lớn
- Bão số 2 đổ bộ vào Trung Quốc
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, đến 10h ngày 3-7, Bộ đội Biên phòng(BĐBP) Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.536 phương tiện/8.786 lao động; 465 lồng bè/1.290 lao động; 350 chòi canh/288 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 2 để phòng tránh cụ thể. Các đơn vị liên quan cũng đã triển khai các nhiệm vụ theo chức năng để chủ động phòng tránh bão.
Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú |
Theo đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương sẽ có những vướng mắc cần sớm tập trung giải quyết, như khó vận động ngư dân trông các chòi ngao vào đất liền do họ cố thủ để bảo vệ tài sản. Tại Đồ Sơn, dự kiến trong chiều tối nay và sáng ngày mai, sóng sẽ dâng cao trên 3m, nên nhiều người dân và du khách hiếu kỳ chạy ra xem, gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Việc phòng chống cây gây, đổ, pano quảng cáo cỡ lớn rơi cũng được đề cập…
Lực lượng chức năng quận Đồ Sơn (Hải Phòng) cắt tỉa cây xanh trước khi bão về. |
Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Phạm Quang Hiển cho biết, đến 14 giờ, chiều 3-7, toàn bộ du khách trong và ngoài nước đang lưu trú tại các đảo nhỏ hoặc các tàu du lịch đều đã về lưu trú tại thị trấn. Còn quận Đồ Sơn cũng đã bố trí lực lượng ứng trực, cấm người dân và du khách xem sóng biển dâng cao ngay trong chiều nay. Các địa phương có tàu đánh bắt cá neo đậu, có chòi canh ngao sẽ cưỡng chế để mọi người dân vào khu vực tránh trú bão an toàn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết, Thành phố đã có 7 đoàn kiểm tra phòng chống bão với tinh thần kiểm tra tại thực địa, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để giải quyết.
Cảnh sát đường thủy Hải Phòng hướng dẫn phương tiện vào nơi tránh trú |
Bên cạnh đó cũng lưu ý các ngành chức năng phải đảm bảo tính mạng của người dân khi xảy ra ngập lụt diện rộng. Đối với người dân đang neo đậu trên các tàu thuyền và ở trong những khu nhà xuống cấp, khi vận động người dân không nghe, các ngành chức năng cần cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Tại Quảng Ninh, từ chiều ngày 3-7, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu từ tỉnh đến cơ sở phải dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo phòng chống cơn bão số 2.
Tàu thuyền trên vùng biển Đồ Sơn vào nơi tránh trú an toàn. |
Theo đó Bộ Chỉ huy Bộ BĐBP tỉnh đã tiến hành bắn 36 quả pháo hiệu để kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ tránh bão. Đến trưa 3 - 7, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương thông báo cho 9.040/9.040 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn, với 15.981 thuyền viên biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó, đã có 8.994 phương tiện với 15.808 thuyền viên đã về bến neo đậu, tránh trú. Các phương tiện còn lại vẫn hoạt động khai thác gần bờ sáng đi, tối về. BĐBP tỉnh Quảng Ninh cũng đã tuyên truyền cho 839 lao động đang làm việc tại 9.659 ô lồng bè và 118 chòi canh nuôi nghêu, ngao trên địa bàn tỉnh chủ động trong công tác phòng, chống bão số 2.
Cũng theo báo cáo của Bộ Chủ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh, đến trưa ngày 3-7, trên đảo Cô Tô còn có 1.640 khách du lịch, trong đó có 3 người nước ngoài. Còn tại cảng Cẩm Phả, Hòn Gai có 7 tàu nước ngoài với 136 thuyền viên đang neo đậu, làm hàng.
Tham gia ứng phó với bão số 2, BĐBP tỉnh Quảng Ninh cũng đã triển khai 155 lượt phương tiện với 672 lượt cán bộ chiến sỹ trực tiếp xuống địa bàn cùng địa phương nắm tình hình, tuyên truyền, vận động và giúp đỡ nhân dân phòng, chống bão. Đơn vị cũng đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật chất, lương thực dự phòng để chống bão, đồng thời phối hợp với các lực lượng PCLB của địa phương sẵn sàng xử lý khi có tình huống khi xảy ra.
Thái Bình chủ động ứng phó bão số 2 Trước diễn biến của cơn bão số 2, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 8 giờ ngày 3-7; kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh, trú an toàn; tổ chức lực lượng hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu, tránh trú trước khi bão đổ bộ. Cùng với đó, di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản, các hộ dân sinh sống ven sông, ven biển, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn vào nơi an toàn; chỉ đạo chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, nhà xưởng, xí nghiệp... đảm bảo an toàn trong bão.
Theo thống kê, đến sáng 3-7, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có hơn 1000 phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn tại các bến bãi. Số tàu thuyền của ngư dân Thái Bình neo đậu ở các tỉnh là 95 phương tiện/467 người. Trong đó tất cả đều đã liên lạc được với gia đình và không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm... Để ứng phó bão số 2, Công an tỉnh Thái Bình đã thành lập trung tâm chỉ huy trực 24/24 giờ, theo dõi cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình bão, kịp thời thông báo, cảnh báo, báo động và đề xuất xử lý các tình huống phức tạp các sự cố xảy ra, đồng thời điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Bắt đầu từ chiều ngày 3-7, Công an tỉnh đã trực chiến theo quy định, trong đó huy động lực lượng cảnh sát cơ động với trên 50 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đợi lệnh, lên đường làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Tăng cường quân số cho lực lượng Cảnh sát giao thông, các huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải. Phòng Cảnh sát giao thông huy động cán bộ, chiến sĩ và phương tiện như xe cẩu, cưa điện để giải tỏa giao thông đề phòng khi bão vào làm đổ cây cối gây ách tắc giao thông; tăng cường tuần tra liên tục trên các tuyến sông, nghiêm cấm các đò ngang hoạt động trước khi bão vào, cấm tàu thuyền neo đậu tại các cửa sông và khu vực cầu cống.
Công an các đơn vị, huyện, thành phố đã bố trí các tổ thường trực tại các điểm xung yếu, bố trí đầu xe gồm chở quân, xe tải, bán tải phục vụ di dân, xe cứu thương, xe cứu hộ. Tổ chức đủ trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn, áo phao, đèn cứu hộ, đèn pin đặc chủng, máy phát điện, nhà bạt cùng cơ số thuốc, lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn… Hiện tại, công an các huyện, thành phố đã bố trí đủ lực lượng, phương tiện, lên phương án cụ thể cho công tác bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức di dân tại những vùng nguy hiểm trước khi bão vào bờ.
L.C
|