“Giải pháp của Bộ trưởng là cứ dân chịu thì thu, như thế vì lợi ích của dân chưa?”

Thứ Hai, 04/06/2018, 10:33

Nhóm vấn đề về BOT được ĐBQH quan tâm và làm “nóng” nghị trường sáng nay. Các đại biểu hỏi nhanh trong thời gian 1 phút, Bộ trưởng trả lời ngắn gọn trong 3 phút, xen kẽ là các phần tranh luận, tạo nên không khí chất vấn sôi nổi, liên tiếp các vấn đề mà cử tri quan tâm.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) mở đầu phần chất vấn bằng đề nghị Bộ trưởng làm rõ số năm thu phí giao thông giữa dự toán với kết quả kiểm toán; làm rõ thu phí BOT trên cơ sở mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1 sắp tới sẽ khắc phục thế nào?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là vấn đề cả xã hội quan tâm. Theo luật, giai đoạn vừa qua tổ chức đấu thầu BOT và ký hợp đồng BOT trên cơ sở dự án được duyệt, trong đó có nhiều phần dự phòng như trợ giá, khối lượng và vấn đề phát sinh kinh phí, nên được duyệt bao gồm các khoản phát sinh, có giá trị lớn. Căn cứ quy định, Bộ ký hợp đồng nhà đầu tư theo dự án được duyệt.

Để đảm bảo công khai minh bạch, Bộ chủ động kiến nghị kiểm toán cùng tiến hành kiểm toán trước khi bộ quyết toán. Với 56 trạm, kiểm toán tham gia 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.

Theo hợp đồng, để đảm bảo hài hoà với lợi nhuận, Bộ đàm phán trong hợp đồng có điều khoản giá trị sau quyết toán là căn cứ Bộ điều chỉnh thời gian thu phí và chính sách liên quan. Do đó, việc kiểm toán phát hiện sự chênh lệch lớn là điều hiển nhiên. Dự án triển khai nhanh, ít biến động giá thì chênh lệch số năm kiểm toán chỉ ra.

Số liệu kiểm toán và quyết toán luôn tương đồng với nhau, thậm chí quyết toán thấp hơn. Do đó, việc chỉ ra của kiểm toán là rất đúng và Bộ cũng làm đúng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn sáng nay, 4-6

“Về thu phí BOT, chúng tôi đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân. Thời gian qua, Bộ phối hợp rà soát, giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2-3 lần. Căn cứ lưu lượng xe qua trạm và khả năng hoàn vốn của dự án để điều chỉnh” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định, vấn đề bất cập hiện nay về BOT nói riêng là thể chế chưa hoàn chỉnh, quá trình thực hiện có nhiều sai phạm, lợi dụng chính sách, dẫn đến tranh chấp và bức xúc. “Chưa giải quyết vấn đề lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, còn “ăn đong” trong lĩnh vực này. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ?”, ông Nhưỡng chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định đúng là thể chế chưa hoàn chỉnh. Còn một số biểu hiện sai phạm mà dư luận quan tâm thì vừa qua các đoàn thanh kiểm tra chỉ ra, hiện đang khắc phục triệt để.

“Việc này Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chủ trường thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến người dân. Còn Bộ quán triệt làm nghiêm túc, nếu có chỉ rõ sai phạm thì với trách nhiệm của mình tôi sẽ xử lý cán bộ thuộc quyền một cách nghiêm túc nhất” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về vấn đề lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, tranh chấp đã xảy ra, không hiệu quả thì doanh nghiệp cũng có tâm tư. Việc đền bù, tái định cư... có xảy ra tranh chấp.

“Làm dự án thì không thể tránh khỏi bất cập, nhưng để đảm bảo hài hoà lợi ích thì chúng tôi quan tâm dự án, khi có dư luận là xuống xử lý ngay. Còn lâu dài, thực hiện nghiêm Nghị quyết UBTVQH, chúng tôi dừng 4 dự án triển khai chậm, 10 dự án khác chưa ký hợp đồng cũng dừng lại. Sắp tới chỉ làm trên đường song hành, đường mới hoàn toàn để người dân có sự lựa chọn”

Tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thẳng thắn: “Bộ trưởng nói giải quyết vấn đề BOT đứng trên lợi ích của người dân. Tôi thì tôi không thấy thế. Bởi 17 dự án đặt sai vị trí, 3 dự án không đi phải trả tiền, 6 dự án không đi đường tránh cũng trả tiền, không đi cao tốc cũng trả tiền... Báo cáo và giải pháp mà Bộ trưởng nêu thì cứ dân chịu thì thu, không chịu thì dừng, rồi dân chịu lại thu. Như thế vì lợi ích của dân chưa, sao dân không đi phải trả tiền?”

ĐBQH Hoàng Quang Hàm

“Có dự án lịch sử để lại, khi chuyển về Bộ chúng tôi tiếp nhận. Như trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài đã báo cáo Chính phủ. Năm 2014, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo tiếp tục thu phí. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận.

Theo ông, với dự án trước đây đưa vào có sự tham gia của chính quyền địa phương và Bộ ngành và các bên liên quan cho rằng trạm thu chỗ đó là hợp lý. Hiện nay nếu di dời thì phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để có khoản kinh phí với hợp đồng của nhà đầu tư BOT.

Bộ trưởng giải thích, một số dự án hết sức quan trọng như đi Hải Phòng, nhưng vì đầu tư lớn nên thời điểm đó thống nhất chủ trương mở trạm ở Quốc lộ 5. Tương tự, mở rộng tuyến tránh và nâng cấp tuyến hiện hữu, mong muốn của địa phương là mở rộng đô thị, tạo sự phát triển cho địa phương, rồi nâng cấp cải tạo quốc lộ... các dự án đều thực hiện đúng theo trình tự thủ tục, có sự thống nhất của các bộ ngành và địa phương.

“Hiện ngân sách khó khăn. Khi Quốc hội biểu quyết cân đối nguồn vốn thì chúng tôi sẵn sàng mua lại dự án này. Mong xã hội và người dân thông cảm. Còn chúng tôi cố gắng miễn, giảm phí cho người dân, nhất là người dân ở khu vực trạm”, Bộ trưởng cho hay.


Quỳnh Vinh
.
.
.