Gắn kết cải cách hành chính với xây dựng chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính

Chủ Nhật, 31/07/2016, 06:44
“Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ngay từ khi ông nhận chức và đó cũng chính là mục tiêu trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ xác lập như một tuyên ngôn hành động đi liền với những chỉ đạo thực tế.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 4-2016, sau 1 tháng được Quốc hội bầu giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các thành viên của Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, trong đó có nội dung rất quan trọng để triển khai thực hiện ý chí trên: “Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính (CCHC) với xây dựng chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ”.

Người dân làm TTHC tại Trung tâm Hành chính công Đà Nẵng.

Phải khẳng định, đây không phải là một chủ trương mới mà là một sự kế thừa hay hiểu một cách khác là sự triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ thì chủ trương gắn kết, đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính phủ điện tử, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại nhiều nghị quyết, văn bản khác nhau.

Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII và Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đều xác định phải tập trung cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và thực hiện chính phủ điện tử là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân;

Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử xác định một trong năm nhiệm vụ cụ thể là “Ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách hành chính và các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh”;

Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020 cũng xác định “Kết hợp chặt chẽ với các nội dung triển khai CCHC để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước có tác dụng thực sự thúc đẩy CCHC. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động”.

Về thực tiễn, những hạn chế, tồn tại của công tác CCHC, xây dựng chính phủ điện tử thời gian qua chủ yếu là do tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều hành còn phân tán, chồng chéo, thiếu gắn kết, tập trung, thống nhất, không phù hợp với đặc thù của công tác này.

CCHC với bản chất là cắt giảm, hạn chế lợi ích cục bộ nên đương nhiên phải gắn liền trực tiếp với vai trò của người đứng đầu Chính phủ thì mới đủ khả năng tổ chức thực hiện.

Thành công của Đề án 30 giai đoạn 2007-2010 đã chứng minh rõ điều này, nhưng sau thành công đó, chúng ta đã sai lầm khi đi vào triển khai lại phân công, phân nhiệm theo phương pháp tản quyền, xa rời sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, làm cho công tác này không phát huy được kết quả vốn rất tích cực trước đó.

Tương tự, việc thực hiện chính phủ điện tử khó thành công nếu không đồng thời với việc chuẩn hóa, công khai, minh bạch hóa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi và văn minh nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, giải quyết TTHC. Sự thiếu hợp lý trong tổ chức thực hiện đã làm cho 5 năm qua, CCHC, xây dựng chính phủ điện tử không có bước tiến nào đáng kể.

Xét theo các yếu tố tác động đến hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính thì năng lực, chất lượng của nền hành chính và sự ủng hộ của nhân dân là hai trong ba nhân tố quyết định.

Có thể coi cải cách TTHC là tiền đề để thực hiện các nội dung cải cách khác như: cải cách bộ máy; nâng cao chất lượng thể chế; nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức; chuyển từ tác phong “quan liêu hành chính, thụ động” sang tác phong “phục vụ, kiến tạo”…

Việc xây dựng chính phủ điện tử ở nước ta chưa đạt được kết quả như mong muốn, trong đó có nguyên nhân do chưa tìm được tiếng nói chung giữa ý chí của người đứng đầu Chính phủ với các cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền; giữa người làm cải cách và các nhà công nghệ; giữa thế mạnh của việc ứng dụng công nghệ với tính minh bạch của TTHC.

Thực tế, muốn xây dựng chính phủ điện tử thành công thì phải có “đề bài” cụ thể, rõ ràng trên nền tảng các nội dung cải cách (quy trình, thủ tục được chuẩn hóa; đổi mới phương thức giải quyết,…); đồng thời, chính phủ điện tử phát triển chính là hệ quả của cải cách và trở lại có vai trò thúc đẩy cải cách.

Từ sự phân tích trên có thể khẳng định, yêu cầu của Chính phủ trong việc bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CCHC với xây dựng chính phủ điện tử và kiểm soát TTHC theo hướng thống nhất một đầu mối đặt tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ, cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.

Việc thực hiện không chỉ giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, mà còn giúp tinh gọn, giảm tổ chức bộ máy; giải quyết chồng chéo trong theo dõi, tham mưu, tổ chức, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; giảm gánh nặng về chế độ thông tin báo cáo và quan trọng hơn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, kiểm soát thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp
.
.
.