Dự án sân bay Long Thành: Giảm biên chế trong 2 năm sẽ đủ vốn thu hồi đất

Thứ Năm, 08/06/2017, 16:02
Đó là quan điểm của ĐBQH Phạm Minh Chính khi hiến kế về nguồn vốn giải phóng mặt bằng (GPMB) và hỗ trợ tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chiều 8-6.


Chiều nay, 8-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều băn khoăn về việc nguồn vốn thực hiện công tác GPMB cũng như việc bố trí vốn để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án (5.000 ha) theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến kinh phí để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn để thực hiện công tác GPMB cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu.

ĐBQH Phạm Minh Chính

“Liệu số tiền 23.000 tỷ đồng đã phải là con số cuối cùng để đền bù GPMB hay chưa? Theo tôi và một số đại biểu thì chưa phải vì con số này là tính theo giá đất năm 2017” – ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu.

ĐBQH Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) cho rằng, ông nhất trí phương án bố trí trước 5.000 tỷ đồng theo tờ trình của Chính phủ, nhưng tờ trình chưa nói đến phương án, lộ trình cụ thể để huy động, bố trí vốn GPMB.

Trước những băn khoăn của đa số đại biểu,  ĐBQH Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) đề xuất hai giải pháp có tính khả thi và hiệu quả để tìm ra nguồn vốn 23.000 tỷ đồng: Đó là Chính phủ phải nghiên cứu trình Quốc hội xin cơ chế đặc biệt cho việc GPMB, tái định cư, và thứ hai là tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước.

“Theo báo cáo, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì biên chế không giảm mà tăng; chi tiêu thường xuyên cũng tăng lên, con số tương đối là 62,3% năm 2015; 65,7% năm 2016; dự kiến 2017 là 64,9% (tức tăng con số tuyệt đối năm 2016 so với 2015 là trên 50.000 tỷ đồng; năm 2017 tăng so với 2015 là 114.000 tỷ đồng)” – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết.

Theo ông, riêng năm 2017 nếu tiết kiệm chi 1% thì ta đã có trên 10.000 tỷ đồng; năm 2018 nếu cũng tiết kiệm chi 1% sẽ có trên 10.000 tỷ đồng nữa, tương đương có trên 20.000 tỷ đồng làm dự án.

“Muốn làm được việc này, ta phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39. Cứ loay hoay gì nhưng nếu chính bản thân chúng ta giảm biên chế theo Nghị quyết 39 trong 2 năm thì sẽ có đủ nguồn vốn này, theo số liệu Bộ Tài chính cung cấp” – ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phân tích.

Đồng tình với giải pháp này, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) đánh giá, gợi ý của ĐBQH Phạm Minh Chính thực sự thoả đáng, cần được xem xét. “Chúng ta có thể tiết kiệm chi phí thường xuyên, giảm bộ máy, rút biên chế để có một nguồn vốn thực hiện dự án” – ông nói.

Quỳnh Vinh
.
.
.