Đề xuất trần quân hàm Thiếu tướng cho Giám đốc Công an nhiều địa phương

Thứ Tư, 16/05/2018, 19:32
Đây là điểm mới trong Dự án Luật CAND (sửa đổi) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 24, chiều 16-5.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi Luật CAND năm 2014 nhằm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết số 18 ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) về Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian

Trong đó yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.

Bộ Công an được giao trách nhiệm đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6. Trên cơ sở đề xuất của Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22 ngày 15-3-2018 về  tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó xác định tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT); đổi mới, sắp xếp bộ máy Công an, không tổ chức cấp Tổng cục, nâng cao chất lượng các cục trực thuộc bộ Công an; sáp nhập Cảnh sát PCCC với Công an tỉnh; xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo đó, sớm sửa đổi, bổ sung Luật CAND năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Dự án Luật CAND (sửa đổi) nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật CAND năm 2014… Luật CAND (sửa đổi) gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật năm 2014 bổ sung 4 điều; sửa đổi, bổ sung 31 điều; bỏ 1 điều.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ lo ngại việc bổ nhiệm khá nhiều “tướng” trong thời gian vừa qua khiến cử tri đặt câu hỏi, liệu có phải tiêu chuẩn, điều kiện phong tướng rộng quá hay không? Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ băn khoăn, nếu Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại đơn vị hành chính loại 1 được lên Thiếu tướng thì có mâu thuẫn gì không, nếu Giám đốc Công an tỉnh lên Thiếu tướng thì Chỉ huy trưởng Chỉ huy Quân sự tỉnh có lên hay không?

Tuy nhiên bên cạnh đó một số đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật là hợp lý. “Bây giờ sáp nhập 3-4 cục lại mà Cục trưởng nếu chỉ trần Thiếu tướng nghe cũng chưa thuyết phục, vì đòi hỏi “tinh” hơn mà tính chất, địa bàn rộng. Ở các địa phương trọng điểm, sáp nhập Sở Phòng cháy chữa cháy, Công an xã xây dựng chính quy mà đòi hỏi tỉnh, thành phải “mạnh” thì rõ ràng người đứng đầu một số đơn vị Công an nếu để như cũ chưa công bằng. Tất nhiên cần báo cáo, xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền, quy định cụ thể vào luật”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến góp ý. 

Theo ông, cần phải nhấn mạnh Ngành Công an đã tiên phong và đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị. “Từ chỗ 6 Tổng cục, 2 Bộ Tư Lệnh nay chỉ còn cấp Cục, mỗi Tổng cục cắt bỏ gần 10 tướng; từ 126 Cục và tương đương nay còn 60 Cục, cắt đi khoảng 60 tướng. Đây là cuộc cách mạng trong Ngành Công an, thể hiện sự gương mẫu, đột phá. Nếu trảm hết “tướng” đi thì nội bộ ngành sẽ tâm tư, cần có đánh giá thoả đáng, toàn diện, thực chất hơn…”, ông Chiến đề nghị.

Toàn cảnh phiên họp

Trần quân hàm còn nhiều bất cập

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Luật CAND hiện hành đang bất cập, cụ thể có tình trạng cấp Tổng cục trần quân hàm thấp hơn cấp Cục trưởng. “Quy định như vậy nên có đồng chí phấn đấu để được lên Phó Tổng cục trưởng rồi lại xin xuống làm Cục trưởng vì một số Cục trưởng được lên Trung tướng. Một số Cục bản chất của Bộ Công an, trực tiếp chiến đấu hàng ngày thì đồng chí Cục trưởng chỉ trần Thiếu tướng; trong khi đó một số cục khác trần Trung tướng. Ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc cũng được Thiếu tướng, trong khi một số địa phương đồng chí Giám đốc là Thường vụ Tỉnh uỷ, đại biểu Quốc hội lại không có quân hàm cấp tướng” – Bộ trưởng nêu.

“Trong bộ máy mới, Giám đốc địa phương sẽ được quy hoạch lên Thứ trưởng, trần quân hàm Thượng tướng. Nếu chỉ Đại tá thôi thì không biết bao giờ mới lên được Thượng tướng. Trong luân chuyển cán bộ, Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng phải làm Giám đốc địa phương, mà bây giờ Cục trưởng trần Trung tướng không đi địa phương được. Đi thực tế, đi luân chuyển sẽ trái với quy định của Trung ương” – người đứng đầu Bộ Công an phân tích rõ.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: “Đúng là anh em cũng tâm tư thật. Một cục ở Bộ có 200 quân có khi đồng chí Cục trưởng là Trung tướng, trong khi có đồng chí Giám đốc Công an thành phố trực thuộc Trung ương, nắm trong tay 4.000 quân lại chỉ là Đại tá. Nhiều tỉnh rộng lớn về địa giới hành chính như Thanh Hoá, Nghệ An; những thành phố tấp nập khách du lịch như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh… mà Giám đốc Công an tỉnh, thành phố cũng chỉ Đại tá. Đây là vấn đề bản thân tôi cũng suy nghĩ, tôi tâm tư thay cho anh em”. 

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng Luật CAND 2014 và Luật Sỹ quan QĐND 2014; trong Thông báo 147 của Bộ Chính trị (Thông báo về chủ trương phong và thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang-PV) cũng đã thống nhất cấp bậc hàm của Công an và Quân đội ở địa phương. “Muốn thay đổi điều này phải xin ý kiến Bộ Chính trị” – Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Một trong những sửa đổi lớn của Dự thảo luật lần này là chính quy hoá lực lượng Công an xã. Theo đó, sẽ điều động khoảng 25.000 Công an chính quy trong biên chế hiện có xuống Công an cấp xã. Một số đại biểu tại phiên họp băn khoăn về việc điều động này có đảm bảo hoạt động của các cơ quan Công an cấp trên hay không; mối quan hệ giữa Công an xã với cấp uỷ chính quyền địa phương và lực lượng Quân sự địa phương; việc sắp xếp, bố trí số Công an viên hiện tại như thế nào… Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, xu hướng là phải tăng cường cán bộ xuống cấp dưới để đảm bảo ANTT tại cơ sở. “Nếu xã giải quyết tốt những vấn đề về ANTT thì huyện rất khoẻ, nếu các huyện tốt rồi thì tỉnh cũng rất tốt”, Bộ trưởng nói.

Bày tỏ quan điểm nhất trí với việc cần xây dựng lực lượng Công an xã trở thành chính quy, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh thêm, dù lực lượng Công an xã có trở thành chính quy thì nhiệm vụ đảm bảo ANTT, phòng chống tội phạm cũng là nhiệm vụ của toàn dân, cần phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân…

Trước đó, sáng 16-5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Phiên họp thứ 24 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã bế mạc chiều cùng ngày.

Quỳnh Vinh
.
.
.