Áp dụng các quy định mới của Luật Công an nhân dân từ 1/7/2015

Thứ Ba, 30/06/2015, 17:05
Kể từ ngày 1/7/2015, Luật Công an nhân dân (được Quốc hội thông qua năm 2014) chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế Luật CAND năm 2005. Luật này có nhiều sửa đổi, bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, nghĩa vụ CAND, đặc biệt là quy định về thăng, cấp bậc hàm…

Chế độ chỉ huy theo chức vụ và cấp hàm

Điều 16, Luật quy định hệ thống tổ chức của CAND gồm 4 cấp: Bộ Công an; công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; công an xã, phường, thị trấn. Căn cứ yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chính phủ quy định việc thành lập cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Công an xã là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

Căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập các đồn, trạm công an và các đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết... Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hằng năm, CAND được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ với thời hạn là ba năm.

Về chỉ huy, chỉ huy công an cấp dưới chịu trách nhiệm trước chỉ huy công an cấp trên về tổ chức và hoạt động của đơn vị công an được giao phụ trách. Chỉ huy công an địa phương chịu trách nhiệm trước chỉ huy công an cấp trên và trước cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp.

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND có chức vụ hoặc cấp bậc hàm cao hơn là cấp trên của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có chức vụ hoặc cấp bậc hàm thấp hơn. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có chức vụ cao hơn nhưng cấp bậc hàm ngang hoặc thấp hơn là cấp trên của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có cấp bậc hàm ngang hoặc cao hơn nhưng chức vụ thấp hơn.

Tốt nghiệp xuất sắc, 22 tuổi được phong hàm trung úy

Điều 21, Luật CAND quy định, học sinh, sinh viên hưởng sinh hoạt phí tại các trường của CAND, khi tốt nghiệp được phong cấp bậc hàm như sau: trung cấp phong trung sĩ; cao đẳng phong thượng sĩ; đại học phong thiếu úy. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được phong cấp bậc hàm cao hơn một bậc. Cán bộ, công chức hoặc người tốt nghiệp các học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề được tuyển chọn vào CAND thì căn cứ vào trình độ được đào tạo, quá trình công tác, nhiệm vụ được giao và bậc lương được xếp để phong cấp bậc hàm tương ứng. Chiến sĩ nghĩa vụ được phong cấp bậc hàm khởi điểm là binh nhì.

Như vậy, so với Luật CAND năm 2005, cấp hàm khởi điểm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp không thay đổi. Tuy nhiên, có điểm đáng chú ý là trước đây, hệ đại học tại các học viện CAND kéo dài 5 năm, sau khi ra trường được phong hàm thiếu úy. Nay hệ đại học rút ngắn còn 4 năm và học viên tốt nghiệp đại học cũng phong hàm thiếu úy, như vậy là sớm hơn được 1 năm. Trong khi đó, học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có thời gian đào tạo lần lượt là 2 năm và 3 năm, để có cấp hàm thiếu úy thì cần thời gian 5 năm, tức lâu hơn 1 năm so sinh viên tốt nghiệp đại học. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng bởi chuẩn đầu vào cũng như quá trình đào tạo đại học tập trung là cao hơn và vất vả hơn.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, học viên tốt nghiệp loại xuất sắc là có tổng điểm từ 9,0 trở lên. Đạt được kết quả này, học viên sẽ được thăng quân hàm cao hơn một bậc, như vậy nếu sinh viên tốt nghiệp Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát đạt loại xuất sắc thì được phong trung úy khi chỉ mới 22 tuổi. Theo chương trình đào tạo tại các trường, nếu học sinh, sinh viên theo học các hệ nghiệp vụ, luật thì rất khó để đạt điểm số này, song nếu học ngoại ngữ, tin học thì điểm tổng kết trên 9,0 là có thể. Vừa qua, khóa D36, Học viện CSND có 1 sinh viên đạt điểm tổng là 9,07, được phong hàm trung úy và đây là trường hợp duy nhất sau 25 năm của Học viện CSND.

Cụ thể hóa thăng cấp bậc hàm đối với các chức vụ

Thời hạn thăng cấp bậc hàm hạ sỹ quan, cấp úy, cấp tá vẫn giữ nguyên như quy định của Luật CAND năm 2005. Riêng đối với cấp tướng, thời hạn thăng cấp bậc hàm trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm (luật cũ không quy định thời hạn). Tuổi của sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng không quá 57; trường hợp cao hơn khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước.  

Tại Điều 22, Luật quy định, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nghiên cứu khoa học, học tập mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm thì được xét phong, thăng cấp bậc hàm trước thời hạn. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất quy định đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm từ hai bậc trở lên thì được xét phong, thăng cấp bậc hàm vượt bậc, nhưng không vượt quá cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan đang đảm nhiệm.

Luật CAND hiện hành đã cụ thể hóa các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất của sĩ quan CAND, bỏ quy định “sĩ quan giữ chức vụ cơ bản ở đơn vị được giao nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt hoặc địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự thì cấp bậc hàm cao nhất có thể cao hơn một bậc” so luật trước đây.

Theo đó, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau: Đại tướng đối với Bộ trưởng Bộ Công an; thượng tướng đối với Thứ trưởng Bộ Công an (số lượng Thứ trưởng Bộ Công an có cấp bậc hàm thượng tướng không quá sáu). Cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng áp dụng đối với: Tổng cục trưởng; Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; Chánh Văn phòng Bộ Công an; Chánh Thanh tra Bộ Công an; Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an; Cục trưởng các cục: An ninh mạng; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đối ngoại; Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Giám đốc các học viện: An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Chính trị Công an nhân dân; một Phó Tổng cục trưởng là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Luật cụ thể hóa các chức vụ được thăng cấp bậc hàm thiếu tướng. Đối với giám đốc công an tỉnh, thành phố, cấp bậc hàm cao nhất là đại tá. Đối với trưởng phòng, trưởng công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; trung đoàn trưởng, cấp bậc hàm cao nhất là thượng tá. Cấp bậc hàm cao nhất là trung tá đối với đội trưởng; trưởng công an phường, thị trấn; tiểu đoàn trưởng; trưởng đồn công an.

Phó Chủ nhiệm thường trực, Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương có cấp bậc hàm cấp tướng thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Sĩ quan CAND biệt phái là Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; sĩ quan CAND biệt phái là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng; sĩ quan CAND biệt phái có chức vụ cao hơn được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.  

Nữ sĩ quan cấp tướng có thể được kéo dài tuổi hưu đến 60

Về tuổi nghỉ hưu, luật quy định cấp úy là 53 (trước đây là 50); thiếu tá, trung tá: nam 55, nữ 53; thượng tá: nam 58, nữ 55; đại tá: nam 60, nữ 55; cấp tướng: nam 60, nữ 55. Trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan quy định tại các điểm nói trên nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp, nữ sĩ quan cấp tướng có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ hơn 60 đối với nam và hơn 55 đối với nữ theo quy định của Chính phủ; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 53/2015/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-7-2015), trong đó quy định nữ si quan cấp tướng có thể kéo dài tuổi hưu đến 60. 

Đăng Minh
.
.
.