Đại biểu lo ngại “cò” trợ giúp pháp lý lừa người dân
- Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số
- Quy định mới liên quan đến Luật Trợ giúp pháp lý
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho ngư dân
- Một cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp Nghệ An “chạy án" bị bắt
- Cán bộ trợ giúp pháp lý lừa chạy án, chạy việc
- Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý lừa đảo hàng trăm triệu đồng
- Nhân viên Trung tâm trợ giúp pháp lý bị bắt vì lừa đảo
Chiều nay, 27-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Vấn đề quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý, chủ trương xã hội hoá về trợ giúp pháp lý, đội ngũ cộng tác viên hay các chi nhánh trợ giúp pháp lý được nhiều ĐBQH quan tâm thảo luận.
ĐBQH Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng, quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý có một cái gì đó rất “gò”. Vì người được trợ giúp pháp lý phải là người có sổ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn về tài chính, trẻ em bị buộc tội...
“Thế trẻ em bị xâm hại thì sao? Đặc biệt trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bảo hành ở vùng sâu vùng xa rất nhiều thì lại không được hưởng. Rồi những người có công, mẹ Việt Nam anh hùng cũng không được hưởng” - Ông đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu bổ sung các đối tượng, kể cả công nhân nghèo, người lao động nghèo ở các khu công nghiệp, thành thị…
ĐBQH Nguyễn Duy Hữu thảo luận tại tổ, chiều 27-10 |
ĐBQH Trần Văn Quý đồng tình: “Dự thảo luật mở rộng đối tượng nhưng thực chất đối tượng bị bó, vì quy định phải có khó khăn về tài chính. Nếu ban soạn thảo không đưa ra được tiêu chí thế nào là người có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ rất khó trong áp dụng”.
Về vấn đề xã hội hoá, theo đại biểu Nguyễn Duy Hữu không nên bỏ chế định cộng tác viên bởi họ là đội ngũ trực tiếp nằm ở cơ sở, trợ giúp rất hiệu quả cho các trung tâm trợ giúp pháp lý. Đặc biệt cộng tác viên là già làng, trưởng bản, người có uy tín.
“Họ chính là người giúp dân tránh được “cò” ở địa phương. Qua thực tế công tác điều tra, xét xử thời gian qua có một đội ngũ “cò” rất lớn ở địa phương. Thậm chí có người nói với tôi, viết một cái đơn phải mất 500 nghìn đồng” – ông nói.
Nhằm tinh gọn tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước, Dự thảo Luật bỏ quy định chi nhánh là một tổ chức của Trung tâm cũng như không thành lập mới các chi nhánh. ĐBQH Nguyễn Duy Hữu lo ngại, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho đối tượng có nhu cầu cần trợ giúp; đồng thời vô tình đã tạo điều kiện cho đội ngũ “cò” trợ giúp pháp lý lôi kéo, dụ dỗ người dân, thậm chí là làm các loại đơn từ xuyên tạc.
“Cò” bây giờ rất khôn, người ta làm hợp đồng vay tiền. Khi trợ giúp được thì người dân phải trả tiền, khi không được thì họ đưa đơn ra toà kiện yêu cầu đòi bồi thường. Nhiều khi “cò” nói với người dân dùng tiền chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia nhưng thực ra có ai được đồng nào đâu, mà cơ quan nhà nước lại bị mang tiếng, dân thì rất khổ” – đại biểu lưu ý.
ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) nhất trí việc giữ chi nhánh ở các địa bàn để giúp dân rút ngắn khoảng cách, tìm đến sự hỗ trợ về pháp lý một cách nhanh nhất bởi chi nhánh trợ giúp pháp lý là tổ chức gần dân nhất.